Theo Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, chuyến thăm chính thức Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ tăng cường quan hệ và sự hợp tác giữa Việt Nam và Lào.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. (Ảnh: Bá Thành/TTXVN)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Lào và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Lào từ ngày 11 đến 12/1.
Nhân dịp này, phóng viên tại Vientiane đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng về ý nghĩa, mục đích và nội dung chuyến thăm, cũng như triển vọng quan hệ hai nước trong tương lai.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Xin Đại sứ chia sẻ về ý nghĩa, mục đích và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Lào?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Lào được thực hiện trong bối cảnh hai Đảng, hai nước đang tích cực triển khai nghị quyết của mỗi Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước, đặc biệt là phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào cũng đang trên đà phát triển hết sức tốt đẹp, các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, các tuyên bố chung nhân chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, các hiệp định hợp tác giữa hai chính phủ đang được hai bên tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Chuyến thăm Lào lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, trọng tâm là kênh quan hệ và hợp tác chính phủ. Đây là chuyến thăm chính thức Lào đầu tiên của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và cũng là chuyến thăm chính thức Lào đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nước ngoài trong năm 2023.
Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm nước bạn Lào láng giềng anh em lần này khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn trước sau như một coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Chính vì vậy, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa lịch sử để Việt Nam và Lào tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân hai nước.
Với những ý nghĩa sâu sắc đó, chuyến thăm có những mục tiêu quan trọng: là dịp để Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức trong tình hình mới, đóng góp cho hòa bình, an ninh ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới; lãnh đạo cao nhất của chính phủ hai nước sẽ trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp, trong đó có những biện pháp mới có tính đột phá nhằm củng cố vững chắc tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, tạo động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện trong năm 2023.
Trong chuyến thăm này, hai thủ tướng sẽ đồng chủ trì kỳ họp 45 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Lào, là cơ hội để lãnh đạo hai nước trao đổi, hiểu rõ hơn tình hình kinh tế-xã hội, định hướng phát triển, chủ trương đối ngoại mỗi nước. Từ đó, hai bên sẽ thảo luận, thống nhất những định hướng, chủ trương và các biện pháp lớn nhằm thúc đẩy để mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới theo hướng ngày càng thực chất và có hiệu quả hơn.
Dự kiến, nhân chuyến thăm, hai bên sẽ ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước; hai thủ tướng sẽ cùng nhau bế mạc Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2022, một năm đặc biệt sôi nổi, nhiều kết quả tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam-Lào, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong các hoạt động kỷ niệm những sự kiện trọng đại của quan hệ Việt Nam-Lào, qua đó truyền tải tinh thần đoàn kết đặc biệt có một không hai giữa hai nước đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước và giúp bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt, trong sáng Việt-Lào.
Từ đó, nhân dân hai nước nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng sống còn và trách nhiệm trong việc gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc.
Tựu trung lại, chuyến thăm chính thức Lào lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng và chắc chắn sẽ tạo động lực mạnh mẽ tăng cường quan hệ và sự hợp tác giữa Việt Nam và Lào.
- Thưa Đại sứ, dự kiến trong chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào sẽ đồng chủ trì lễ bế mạc Năm Đoàn kết Hữu nghị 2022 và kỳ họp 45 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Lào, xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện này?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: 60 năm trước, ngày 5/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt-Lào ngày càng được tăng cường và dãy Trường Sơn hùng vĩ đã trở thành hình ảnh sống động của mối quan hệ keo sơn “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong những năm tháng gian khổ nhưng đầy vinh quang, cùng góp phần to lớn giúp nhân dân và lực lượng vũ trang hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Sau ngày Việt Nam thống nhất đất nước và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời, quan hệ Việt Nam-Lào chuyển sang giai đoạn mới, từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Đó là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước theo Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào được ký ngày 18/7/1977.
Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai nước là đoàn đại biểu cấp cao chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Lào từ ngày 15-18/7/1977.
Trong chuyến thăm này, hai nước chính thức ký kết các hiệp ước đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ song phương, trong đó có Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, là cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, tạo ra những bước chuyển to lớn về chất trong quan hệ đặc biệt giữa hai chính phủ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông.
Năm 1992, Ủy ban Hợp tác liên chính phủ Việt Nam-Lào được thành lập, tạo điều kiện cho chính phủ hai nước triển khai các thỏa thuận hợp tác thuận lợi hơn. Với vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy hợp tác hai nước, từ năm 2017, Bộ Chính trị của Việt Nam và Lào đã quyết định giao Thủ tướng Chính phủ hai nước đồng chủ trì kỳ họp Ủy ban liên chính phủ thay cho hai bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Từ đó, hai nước tích cực triển khai các hiệp định giữa hai chính phủ và thỏa thuận tại các kỳ họp của Ủy ban liên chính phủ; tích cực triển khai Thỏa thuận về chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục ký kết nhiều văn kiện hợp tác, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác hai nước.
Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng hơn 60 năm qua, đặc biệt qua 45 năm thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác cũng như triển khai cơ chế họp định kỳ Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Lào, nhân dân Việt Nam và Lào có thể tự hào về mối quan hệ thủy chung trong sáng, đoàn kết đặc biệt hiếm có giữa hai dân tộc và tin tưởng các cơ chế hợp tác giữa hai nước hiện có, trong đó có các kỳ họp Ủy ban liên chính phủ.
- Đại sứ có thể chia sẻ về thực trạng quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực? Đâu là trọng tâm chính trong hợp tác hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và cơ sở hạ tầng?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng với sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành, các đoàn thể ở trung ương và địa phương, của các doanh nghiệp và nhân dân hai nước, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào đang ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, to lớn cho cả hai nước.
Quan hệ chính trị được coi trọng, giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác; các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục phát huy tốt hiệu quả.
Hợp tác kinh tế có bước đột phá, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục là một trong những đối tác đứng đầu về đầu tư và thương mại của Lào.
Hợp tác về an ninh, quốc phòng, đối ngoại ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và giữ vai trò là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, góp phần bảo đảm vững chắc ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam và Lào ở khu vực và trên trường quốc tế.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả giữa nhân dân hai nước, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới, giữa các tổ chức nhân dân, xã hội không ngừng phát triển.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống và tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam-Lào đã được quan tâm và tiến hành thường xuyên.
Hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật thu được nhiều kết quả tích cực, bổ sung những lợi thế cho nhau trong quá trình đổi mới và phát triển của hai nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Với đặc điểm là mối quan hệ hợp tác thực chất và toàn diện, trong thời gian qua, lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã thường xuyên chỉ đạo, khuyến khích việc tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh các trụ cột về chính trị, an ninh, quốc phòng và đối ngoại vốn đã rất tốt đẹp, lãnh đạo cấp cao của Đảng, chính phủ hai nước xác định cần thiết và đã chỉ đạo quyết liệt để đưa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế tương xứng với các trụ cột hợp tác khác.
Song song với việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển bền vững, tạo điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp hai nước, việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải đang được tích cực triển khai thực sự là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Lào, phản ánh sự tin cậy rất cao giữa hai nước và có một không hai trong quan hệ quốc tế hiện nay.
Tôi tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, Lào sẽ trở thành trung tâm kết nối, trung chuyển quan trọng ở Đông Nam Á với sự hợp tác của Việt Nam và các nước khác khu vực.
- Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới biến động, khó lường, quan hệ Việt-Lào có những thách thức và triển vọng như thế nào, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Trước hết, chúng ta cần thấy trong bức tranh toàn cục của thế giới hiện nay, với xu thế chủ đạo vẫn là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, Việt Nam và Lào tiếp tục có nhiều cơ hội để tăng cường hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với nhau và với các nước khác với cùng mục tiêu vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển.
Đồng thời, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đầy biến động, phức tạp và khó lường như hiện nay, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức gay gắt từ môi trường quốc tế, đặc biệt là từ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn cả về chiến lược, kinh tế, chính trị, khoa học-công nghệ với nhiều hệ lụy khôn lường đối với nền độc lập, an ninh và phát triển của mỗi nước, từ sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu...
Nhìn lại tình hình của Việt Nam và Lào năm 2022 chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những tác động tiêu cực rất rõ nét của các thách thức trên. Thách thức là vậy, nhưng thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Việt-Lào hai nước chúng ta; Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long," với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của cả hai Đảng, hai chính phủ và nhân dân hai nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào sẽ mãi mãi được giữ gìn, vun đắp như ý nguyện của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song tình nghĩa Lào-Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”; và mối quan hệ đó sẽ không ngừng đơm hoa, kết trái vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!