“Tăng tuổi nghỉ hưu là huy động nguồn nhân lực có chất lượng”

Lan Trần| 23/05/2019 11:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ TB&XH, tăng tuổi nghỉ hưu là huy động nguồn nhân lực có chất lượng. Thực tế nếu không quy định thì đến tuổi người lao động vẫn nghỉ, nhưng vẫn làm việc.

Hai phương án

Tại buổi tọa đàm về Sửa đổi Bộ luật Lao động mới đây, trao đổi về 2 phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ TB&XH cho biết, Ban soạn thảo đề xuất quy định mốc tuổi 62 với nam và 60 với nữ với lộ trình điều chỉnh kể từ 1/1/2021 theo 2 phương án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến như sau: Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ; Phương án 2,  cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định: Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt."

“Tăng tuổi nghỉ hưu là huy động nguồn nhân lực có chất lượng”

Ảnh minh họa

Theo ông Thiện, cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, đến năm 2028 thì Nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì Nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: đến năm 2026 Nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030 Nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ).

Về lợi ích tăng tuổi nghỉ hưu, ông Thiện đánh giá tăng tuổi nghỉ hưu là huy động nguồn nhân lực có chất lượng, thực tế nếu không quy định thì đến tuổi người lao động vẫn nghỉ, nhưng vẫn làm việc.

“Tôi ví dụ một bác sỹ rất giỏi khi nghỉ hưu họ vẫn làm việc ở các bệnh viện tư, vẫn mở phòng khám gia đình và lương của họ rất cao. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng những nguồn nhân lực này để nó chính là động lực cho phát triển. Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được nguồn lao động có chuyên môn, trình độ quản lý. Nếu huy động được nguồn lực này vào nền kinh tế quốc dân thì quản lý nhà nước sẽ tốt hơn, quan trọng nhất là quản lý được thuế, tăng nguồn thu cho ngân sách”, ông Thiện nói.

Tại sao chọn lộ trình tăng chậm?

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng thông tin lý do chọn lộ trình tăng chậm vì phát triển thị trường lao động và đối mặt với tốc độ già hóa dân số trong tương lai. Một lý do nữa là căn cứ vào chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam ngày càng tăng và hiện cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (là 72 tuổi): tuổi thọ bình quân của Nam là 72,1 tuổi, của Nữ là 81,3 tuổi và cả hai giới tính là 76,6 tuổi.

Ngoài ra còn lý khác nữa là việc tham khảo kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia trên thế giới về xác định tuổi nghỉ hưu. Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xác định mốc tuổi là nữ 60 tuổi và nam 62 tuổi. Đây là mức thấp so với tuổi nghỉ hưu phổ biến của các nước trên thế giới nhưng bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.

Trước 02 phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VASEP chia sẻ băn khoăn. Theo ông Nam, đặc thù những ngành như thủy sản, dệt may hoặc da giày, tỷ lệ người chờ đủ được số tuổi và số năm đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu theo quy định của pháp luật hiện hành thì là nhỏ. Bởi vì hầu hết người lao động tham gia trong hoạt động trong ngành công nghiệp hoặc ngành sản xuất thủy sản, người lao động chỉ tham gia trong một giai đoạn nhất định, 10 đến 20 năm là cùng.

Trước băn khoăn nói trên, ông Mai Đức Thiện cho rằng cần phân biệt rõ giữa tuổi nghề và tuổi làm việc. Trong Bộ luật Lao động đang quy định một mốc tuổi, đó là điều kiện để hưởng lương hưu. Hiện nay trên thực tiễn thị trường lao động, những người đã nghỉ hưu đang hưởng lương hưu, họ tham gia vào thị trường lao động không làm việc này thì làm việc khác. Qua số liệu thống kê, có 42% những với người lao động đang hưởng hưu trí hàng tháng vẫn làm việc. Như vậy thị trường có rất nhiều dạng công việc mà những người này có thể làm được. Nếu như những người ở trong lĩnh vực chế biến như đánh bắt thủy hải sản,… nhưng khi hết tuổi nghề đó họ có thể hoàn toàn tham gia vào công việc khác trên thị trường để tiếp nối thời gian đóng bảo hiểu và đủ tuổi quy định để nghỉ hưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tăng tuổi nghỉ hưu là huy động nguồn nhân lực có chất lượng”