Ngoài tăng lương tối thiểu (LTT) thì việc quan trọng hơn là đảm bảo tiền lương thực tế, kiềm chế được tốc độ lạm phát và duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế, thì đời sống của người lao động mới được cải thiện.
Năm 2017, mức tăng có thể là 3,2 triệu đồng
Ngày 6/8, tại phiên họp thứ ba để thương lượng về phương án tiền LTT vùng năm 2015, với 64,3% thành viên bỏ phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã lựa chọn phương án cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ về tăng lương tối thiểu vùng năm 2015. Theo đó, mức tăng dự kiến sẽ từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng so với năm 2014. Cụ thể, LTT vùng 1 là 3,1 triệu đồng (tăng 400.000 đồng so với năm 2014), vùng 2 là 2,7 triệu đồng (tăng 350.000 đồng), vùng 3 là 2,4 triệu đồng (tăng 320.000 đồng) và vùng 4 là 2,2 triệu đồng (tăng 300.000 đồng).
Hội đồng Tiền lương quốc gia với 15 thành viên đại diện cho ba bên: Tổng LĐLĐ Việt Nam - đại diện người lao động (NLĐ), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện tổ chức sử dụng lao động và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) - đại diện cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết: Tuy phương án đưa ra khác nhau nhưng trong quá trình thương lượng, các bên đều có sự điều chỉnh để có kết quả hài hòa nhất. Đánh giá về mức đề xuất LTT vùng năm 2015, ông Huân thừa nhận mức tăng này mới chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu cho NLĐ. Vì vậy, trong 2 năm 2016 và 2017 sẽ phải tăng nhiều hơn so với năm 2015 để giải quyết con số 25% còn thiếu theo lộ trình tăng LTT đến năm 2017 (phải đáp ứng mức sống tối thiểu cho NLĐ).
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho rằng chưa hài lòng với kết quả mà Hội đồng đã lựa chọn vì chưa đáp ứng kỳ vọng của tổ chức Công đoàn và NLĐ. Theo ông Chính: Nguyên tắc của hội đồng là bỏ phiếu biểu quyết và lựa chọn theo đa số. Tuy nhiên, đây mới là mức đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia - cơ quan tư vấn cho Chính phủ. Tới đây, Hội đồng phải báo cáo Chính phủ và lúc đó, Chính phủ sẽ lấy ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp (DN) cùng NLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng xem xét thêm cơ sở đề nghị của tổ chức Công đoàn. Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là phải tiến tới thực hiện đúng theo điều 91 của Bộ Luật Lao động, đó là tiền LTT phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.
Mức lương hiện nay chưa đảm bảo đời sống của người lao động
Tại cuộc họp ngày 6/8, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã cân nhắc những yếu tố khó khăn của DN cũng như tình hình kinh tế - xã hội và đưa ra phương án mới: Vùng 1 là 3,2 triệu đồng, vùng 2: 2,85 triệu đồng, vùng 3: 2,55 triệu đồng và vùng 4 là 2,3 triệu đồng (mức tăng bình quân khoảng 18,5% so với năm 2014). Ông Chính cho rằng, để LTT đạt được mức sống tối thiểu vào năm 2017 như lộ trình, mức tăng 3,2 triệu đồng ở vùng 1 như đề xuất của Tổng LĐLĐ là hợp lý.
Tăng lương phải đi liền với “sức khỏe” nền kinh tế
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: Tiền lương của người lao động hiện nay đang ở mức quá thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh việc tăng lương, vấn đề mấu chốt hiện nay là các giải pháp chính sách tiền tệ giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh sản xuất. Doanh nghiệp phải phát triển ổn định thì người lao động mới được trả lương xứng đáng. Vấn đề tăng lương phải được xem xét đi liền với duy trì và đảm bảo sức khỏe, sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng DN.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Ngoài tăng lương tối thiểu thì việc quan trọng hơn là đảm bảo tiền lương thực tế, nếu nâng mức lương trên danh nghĩa mà không kiềm chế được tốc độ lạm phát và đi đôi với duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế, thì đời sống của người lao động chắc chắn không được cải thiện. Vì vậy, nếu Chính phủ chốt mức tăng này, thì ngoài các giải pháp kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, cần phải thực hiện đồng bộ một số chính sách xã hội về an sinh xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục...
Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI - nhất trí với quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là chăm lo cho NLĐ. Trong đó, mục tiêu lâu dài là lương cho NLĐ phải đủ sống. Các DN luôn coi trọng NLĐ vì đây là tài sản lớn nhất của DN. Tuy nhiên, tình hình DN năm qua rất khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm nay, khoảng 37.000 DN thành lập mới nhưng cũng có đến 33.000 DN rời khỏi thị trường. Nếu DN phá sản, NLĐ sẽ không có công ăn việc làm, Chính phủ không có thuế. Vì vậy, bên cạnh việc chăm lo cho NLĐ thì cũng phải quan tâm đến năng suất lao động, sức cạnh tranh của DN.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho biết trong năm 2015, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu mức LTT theo nhiều yếu tố: Chỉ số giá tiêu dùng, đời sống NLĐ, sự chênh lệch mức lương giữa khu vực phi chính thức và chính thức, lương giữa DN quy mô lớn với quy mô nhỏ và vừa, quan hệ tiền lương giữa khu vực DN và hành chính. Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Hội đồng Nghiên cứu năng suất lao động nhằm bảo đảm đời sống NLĐ và đề xuất những giải pháp cạnh tranh của lao động Việt Nam.