Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, hôm nay (18/3), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbott đã có cuộc hội đàm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbott
Tại cuộc Hội đàm, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển của mỗi nước; ghi nhận thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và thành công của Australia trong công cuộc xây dựng đất nước thịnh vượng và hiện đại; đồng thời bày tỏ vui mừng về vai trò và vị thế ngày càng cao của cả hai nước ở khu vực và trên thế giới. Hai Thủ tướng đã thảo luận và đánh giá cao sự phát triển cả về bề rộng và chiều sâu của mối quan hệ song phương và nhất trí làm sâu sắc hơn và tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện hiện nay, phù hợp với bản chất chiến lược ngày càng gia tăng của quan hệ hai nước.
Hai bên đạt được sự nhất trí cao về những phương hướng và biện pháp lớn nhằm phát triển quan hệ hai nước ngày càng hiệu quả, nhất là trên các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, quan trọng như chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế, đầu tư, thương mại, thông tin truyền thông, hợp tác phát triển, khoa học công nghệ, nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo. Hai bên nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước làm đầu mối thúc đẩy việc hoàn thiện và ký kết Chương trình Hành động giai đoạn 2015-2017 hiệu quả và đúng tiến độ. Ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua, hai bên cam kết tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, duy trì tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước và các cấp; đồng thời, phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác sẵn có.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Australia Tony Abbott
Cũng tại Hội đàm, hai bên đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ kinh tế song phương, trong đó Australia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh, đạt xấp xỉ 6 tỉ USD trong năm 2014 (năm 2013 đạt 5,1 tỷ USD). Australia đánh giá Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và thể hiện mong muốn tăng cường đầu tư và cam kết hợp tác bền vững với Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Hai bên nhất trí sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của nhau thông qua việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật. Bên cạnh đó, hai bên cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư vào những lĩnh vực hai bên có thế mạnh như dịch vụ, nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến, khai khoáng, giáo dục đào tạo. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng an ninh, cũng như tăng cường hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực hợp tác phát triển, văn hóa giáo dục, du lịch.
Hai bên cũng đã nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được về quốc phòng, an ninh; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo tiếng Anh và nghiệp vụ gìn giữ hòa bình; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực đặc nhiệm và cứu hộ tàu ngầm, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chống khủng bố, chống buôn bán người, an ninh mạng, an ninh nguồn nước; đồng thời tích cực tham vấn, ủng hộ nhau tại các cơ chế hợp tác khu vực về quốc phòng an ninh như ADMM, ADMM+, ARF...Đồng thời khẳng định, giáo dục-đào tạo là điểm sáng trong quan hệ hai nước và nhất trí đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực hợp tác này. Việt Nam hoan nghênh Chương trình Colombo mới của Australia và Australia cũng sẽ tiếp tục duy trì học bổng cho Việt Nam.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng đã trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế và khu vực. Nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên là thành viên như hợp tác ASEAN - Australia, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc; ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong đàm phán và thực hiện Hiệp định Đối tác khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hai bên khẳng định về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; kêu gọi tất cả các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng thêm tình hình khu vực, trong đó có việc cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng; nhất trí cần cấp thiết xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Kết thúc Hội đàm cấp cao Việt Nam - Australia, hai bên đã ra Tuyên bố chung; ký Tuyên bố về tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Australia. Hai bên cũng ký 4 văn bản hợp tác quan trọng khác, bao gồm (i) Thỏa thuận Chương trình Lao động Kỳ nghỉ; (ii) Thỏa thuận về triển khai chương trình hợp tác châu Á - Australia về phòng chống buôn bán người; (iii) Bản Ghi nhớ hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; (iv) Bản Ghi nhớ về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc của Việt Nam.