Tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Nhã Phương| 07/04/2015 21:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 7/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. 65 năm qua, mặc dù có những bước thăng trầm, nhưng quan hệ Việt - Trung không ngừng được củng cố, phát triển. Đặc biệt, từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ Việt - Trung đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Quan hệ chính trị - ngoại giao

Trong tổng thể đường lối đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu, nhất quán và lâu dài.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tháng 2/1999, lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Trong dịp Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc tháng 12/2000, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới, cụ thể hóa phương châm 16 chữ đó thành những biện pháp cụ thể phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2008, hai bên nhất trí phát triển "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" theo phương châm 16 chữ là: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt là: "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng. Hai bên đã tổ chức 10 cuộc Hội thảo lý luận nhằm trao đổi kinh nghiệm cũng như thực tiễn về xây dựng Đảng, quản lý đất nước.

Năm 2014, dù gặp một số khó khăn và thách thức, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc về tổng thể tiếp tục có bước phát triển mới trên nhiều mặt.

Hợp tác để cùng phát triển

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2014, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong ASEAN (chỉ sau Malaysia). Tính đến hết tháng 12/2014, Trung Quốc có 1.082 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 7,94 tỷ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã cho Việt Nam vay 1,6 tỷ USD tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt may, hoá chất…

Tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 

Bên cạnh đó trong những năm qua, quan hệ trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa - thể thao được đẩy mạnh. Hàng năm, Trung Quốc cung cấp 130 học bổng dài hạn và 10 học bổng thực tập sinh ngắn hạn cho Việt Nam. Hiện có hơn 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường Đại học của Trung Quốc với những ngành nghề đa dạng và có khoảng 4.000 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành ngôn ngữ (học tiếng Việt), du lịch và kinh doanh.

Hai bên đang tích cực triển khai “Kế hoạch thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt - Trung giai đoạn 2013 - 2015” (ký nhân Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung); tích cực thúc đẩy việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này tại nước kia; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực sản nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực. Trung Quốc cũng là thị trường nguồn du lịch lớn của Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam đón 1,94 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2013. Những năm gần đây, hàng năm có khoảng 1 triệu du khách Việt Nam thăm Trung Quốc. Hai bên cũng mở thêm nhiều tuyến bay (thuê bao) chủ yếu từ Thâm Quyến, Trùng Khánh, Thượng Hải, Hàng Châu đi Đà Nẵng...

Về biên giới lãnh thổ

Sau khi bình thường hoá quan hệ, năm 1993, hai bên đã ký Thoả thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ. Hai bên cũng đã tiến hành đàm phán về ba vấn đề: Biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên biển (Biển Đông). Đến nay, hai bên đã ký Hiệp định về biên giới trên đất liền (năm 1999); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (năm 2000); Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (năm 2000); Nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (năm 2004).

Với sự nỗ lực của hai bên, công tác phân giới trên bộ đã hoàn thành vào ngày 31/12/2008. Hai bên đã công bố Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu có hiệu lực từ ngày 14/7/2010. Hai bên đang tiến hành đàm phán để sớm ký Hiệp định về quy chế tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định về hợp tác và khai thác phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc.

Hai Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ (Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ) được hai bên triển khai tương đối thuận lợi, công tác quản lý đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi dần đi vào nề nếp, hạn chế tối đa các xung đột có thể nảy sinh. Hai bên thỏa thuận tiếp tục thực hiện tốt hai Hiệp định này, cũng như thực hiện tốt công tác kiểm tra liên hợp, điều tra liên hợp nguồn thủy sản trong Vùng đánh cá chung và tuần tra chung giữa hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ, đẩy nhanh việc thực hiện “Thỏa thuận khung về hợp tác dầu khí trong vùng thỏa thuận tại Vịnh Bắc Bộ”. Hai bên đã tổ chức 3 vòng đàm phán về hoạt động của tàu cá Việt Nam - Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước tại Vịnh Bắc Bộ sau khi vùng dàn xếp quá độ hết hiệu lực.

Về vấn đề biển Đông

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần trao đổi về vấn đề Biển Đông. Năm 2011, hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, góp phần định hướng cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai bên cần kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần DOC.

Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông tiếp tục là trở ngại lớn nhất trong quan hệ hai nước với những diễn biến phức tạp. Năm 2014, tình hình trên biển Đông căng thẳng chưa từng có kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, ảnh hưởng đến các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực khác. Đến nay, tuy quan hệ hai nước đã được khôi phục một bước nhưng vẫn chưa thực sự ổn định bởi những diễn biến trên biển.

Trong năm 2015, năm kỷ niệm 65 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên cần thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, triển khai tốt Chương trình triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc, không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, đáp ứng nguyện vọng và đem lại hạnh phúc cho nhân dân hai nước, góp phần thiết thực giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới..

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc