Ngày 26/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Thực hiện quyết định của Bộ Y tế, 8 đoàn công tác của Bộ đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ lan truyền và bùng phát trong mùa hè. Ảnh minh hoạ
Các tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Thuận, T hành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum. Các đoàn này cũng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
Kết quả cơ bản cho thấy: Đa số các địa phương, tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết. Đặc biệt, UBND các cấp đã vào cuộc, chỉ đạo, thúc đẩy sự phối hợp liên ngành và đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Ngành y tế địa phương đã bám sát, tuân thủ hướng dẫn chuyên môn và nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết.
Đoàn kiểm tra đã đề nghị một số tỉnh, thành phố tại các địa phương chưa tổ chức chiến dịch như Hải Phòng, Thanh Hóa cần triển khai Chiến dịch người dân chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy. Đây là một trong những sự kiện quan trọng, trong đó có hoạt động ký cam kết giữa Sở Y tế và UBND quận, huyện trong địa bàn tỉnh, thành phố nhằm nêu cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Để chủ động và nâng cao tính hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch bệnh, 8 đoàn công tác đã đề nghị các địa phương, tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân cách tự xử lý dụng cụ chứa nước, chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Khi có các triệu chứng giống sốt xuất huyết, dấu hiệu của bệnh do vi rút Zika, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời; đồng thời, truyền thông nguy cơ đối với phụ nữ mang thai nhằm tránh gây hoang mang trong cộng đồng khiến người dân ồ ạt đi xét nghiệm khi không cần thiết.
Các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm dịch y tế, giám sát véc tơ, chủ động tiến hành điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika gửi mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để xét nghiệm khẳng định. Ngành y tế t ổ chức giám sát, theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, người mang thai nghi nhiễm vi rút Zika, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và sơ sinh tại các cơ sở điều trị sản nhi trên địa bàn. Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản - nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân.
Ngoài ra, ngành y tế cần tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến dưới, y tế tư nhân về công tác giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển mẫu, xét nghiệm, khám sàng lọc trước sinh, chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika. Đồng thời, kiện toàn Đội cơ động chống dịch khối bệnh viện và dự phòng, thường xuyên diễn tập dựa trên các kịch bản tình huống đề ra và xây dựng quy chế hoạt động chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất khi xảy ra tình huống dịch bệnh.
Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận thêm trường hợp nào dương tính với vi rút Zika. Trước đó, tại thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika và cả hai địa phương đã công bố hết dịch Zika vào ngày 22/4/2016.