Tăng cường giám sát, kiểm soát để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp

Mai Thoa| 18/09/2015 14:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 18/9, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 22 cho ý kiến về các “Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp” (do Quân ủy Trung ương, Ban Cán sự Đảng TANDTC, VKSNDTC trình).

Tăng cường giám sát, kiểm soát  để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Theo Tờ trình của Ban Cán sự Đảng VKSNDTC, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong nội bộ ngành KSND khi tiến hành các hoạt động tư pháp vẫn còn nhiều tồn tại. Việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp có liên quan đến công chức của ngành KSND chưa được kịp thời, vẫn để kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức trong ngành có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực… Tờ trình của Ban Cán sự Đảng TANDTC cũng đã chỉ ra, tình trạng cán bộ, công chức Tòa án vi phạm quy tắc nghề nghiệp vẫn còn xảy ra, đặc biệt những trường hợp vi phạm pháp luật hình sự, nhận hối lộ làm ảnh hưởng đến uy tín của Tòa án.
Vì vậy, trong số các giải pháp được lựa chọn để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, TAND và KSND đều cho rằng, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện xử lý các hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp của TAND, KSND là biện pháp phòng, chống tiêu cực trực tiếp, hiệu quả và có ý nghĩa then chốt.

Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho rằng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp thì cần xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát các hoạt động giữa các cơ quan tố tụng, các cơ quan được giao thực hiện các nhiệm vụ tư pháp; xác định rõ trách nhiệm và cơ chế bảo đảm việc thực hiện đúng đắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong hoạt động tư pháp và phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, hoạt động tư pháp là liên thông nên việc kiểm soát đảm bảo sự công khai, minh bạch cần có sự liên thông, phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp, thậm chí là của cả các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, cùng với việc hoàn thiện pháp luật để cán bộ không có điều kiện “vận dụng”, “lách luật”, phải tạo dựng được “văn hóa xấu hổ”, tạo áp lực xã hội trong đấu tranh lên án hành vi tiêu cực để cán bộ, công chức không dám tham nhũng, tiêu cực”. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng thấy, xây dựng được “đạo đức công vụ trong thực thi pháp luật” là rất quan trọng để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị, tăng cường các giải pháp từ bên ngoài, nhất là khai thác “kênh” luật sư, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu sự tiếp cận giữa người xử lý vụ án với đương sự  nhằm giảm tiêu cực, nhũng nhiễu. Đồng thời tăng cường trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công chức sau khi Nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường trong các vụ oan, sai, có vi phạm để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ, hạn chế tiêu cực.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, cần có những giải pháp sát với hoạt động thực tiễn và thực trạng phòng, chống tiêu cực của các cơ quan tư pháp. Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động tư pháp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của từng cơ quan và mỗi cán bộ cũng phải tự kiểm soát bản thân để có hành vi phù hợp. Đặc biệt, cần sử dụng hiệu quả chế tài “dư luận” để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp thông qua việc công khai, minh bạch.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giám sát, kiểm soát để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp