Tăng cường giám sát hoạt động tư pháp sẽ lấy lại niềm tin nhân dân

Thái Bình - Duy Thái- Văn Hoàng (Thực hiện)| 11/09/2019 14:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo... đặt ra những yêu cầu cao hơn trong hoạt động giám sát, đặc biệt là của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp.

Để hiểu hơn về hoạt động này, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chất lượng giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp trong thời qua?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết phải khẳng định rằng công tác giám sát được Quốc hội rất quan tâm. Hoạt động này không chỉ là giám sát các vụ việc, mà còn là giám sát hệ thống chính sách pháp luật về công tác tư pháp. Đặc biệt là giám sát đối với các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc các hoạt động khác liên quan như của luật sư, công chứng, giám định.

Trong thời gian vừa qua, với việc phát huy và đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị ngày 26/5/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chúng ta đã thể chế được nhiều đạo luật đảm bảo cho hoạt động tư pháp được công khai minh bạch, đúng pháp luật. Vừa qua, chúng ta đã thấy nhiều vụ đại án được đưa ra xét xử đó là thành công của quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thậm chí có nhiều vụ án đã được hình thành trong một thời gian rất dài, được bao che bởi những cán bộ có chức vụ rất cao đã được đưa ra ánh sáng. Điều này cho thấy, hoạt động tư pháp không có...“vùng cấm”. Đây cũng là một trong những thành công của công tác giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

Tăng cường giám sát hoạt động tư pháp sẽ lấy lại niềm tin nhân dân

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Tuy nhiên, trong hoạt động tư pháp và hoạt động giám sát vẫn còn có những vấn đề chưa được như mong muốn. Một số chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động tư pháp vẫn chưa được hoàn thiện. Việc xây dựng pháp luật vẫn còn đưa vào một số những quy định chưa phù hợp với bản chất của các hoạt động kinh tế xã hội, chưa quy định bao quát được hết các hành vi vi phạm.

Đặc biệt là công tác giám sát các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của chúng ta vẫn còn chưa theo kịp về mặt thực tiễn. Nhiều vi phạm trong hoạt động tư pháp được báo chí công luận, nhân dân nêu ra rất bức xúc. Đơn thư của công dân phản ánh về các hoạt động tư pháp, điều tra còn bức cung, nhục hình, sử dụng những thủ pháp để cố tình tạo ra bản cung, đưa vào quá trình truy tố khiến việc xét xử oan sai vẫn còn. Bên cạnh đó, việc giám sát của cơ quan dân cử ở cấp dưới là các Hội đồng nhân dân các cấp đối với các hoạt động tư pháp còn rất yếu, chỉ có một số cơ quan đơn vị làm tốt.

PV: Việc đôn đốc, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến những hoạt động tư pháp được thực hiện ra sao trong thời gian qua, thưa ông?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Có thể nói rằng, đây là lĩnh vực chúng ta đã có những đôn đốc tuy nhiên vẫn chưa có sự quyết liệt. Chất lượng đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động tư pháp trong quá trình giám sát có chất lượng chưa cao. Nói cách khác, chúng ta gọi là làm cho “tròn vai” chứ năng lực giám sát yếu thì việc đôn đốc đương nhiên không thể mạnh được.

Việc đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tư pháp, tôi cho rằng chưa thể hiện được tính quyền lực trong các hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước.

Vì vậy, theo tôi muốn thể hiện sự đôn đốc có chất lượng, các cơ quan phải chấp hành, thì chủ thể giám sát phải hiểu được về mặt chuyên môn, phải có năng lực, bộ máy và cán bộ tốt để trong quá trình giám sát phát hiện ra những vấn đề chưa tuân thủ thì có quyền kiến nghị, đề nghị một cách quyết liệt để thực hiện, thậm chí xử lý trách nhiệm của những cơ quan, cán bộ tư pháp đứng ra thực hiện mà có hành vi vi phạm pháp luật.

PV: Theo ông, việc xây dựng chế độ tư pháp công khai, minh bạch và tăng cường khả năng tiếp cận công lý trong thời gian tới phải thực hiện ra sao để đảm bảo quyền của người dân?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Muốn nâng cao vai trò của cơ quan dân cử trong giám sát các hoạt động tư pháp thì quan trọng nhất là chúng ta phải bám sát đường lối của Đảng và thể chế pháp luật. Chúng ta đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu vì vậy yêu cầu phải thực hiện một cách nghiêm túc. Tất cả những người đứng đầu của cơ quan tư pháp đều phải tuân thủ và đều phải bị kiểm soát.Chúng ta cứ kiểm soát, yêu cầu những người đứng đầu phải thực hiện được hết trách nhiệm của mình. Đây là vấn đề tôi cho là mấu chốt trong quá trình giám sát.

Vấn đề thứ hai là tăng cường năng lực cho cán bộ. Các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải có lực lượng cán bộ có đủ hiểu biết, đủ trình độ để tham mưu, giúp việc thật tốt.

Vấn đề thứ ba, theo tôi là cần phải xem xét xử lý nghiêm tất cả các cán bộ, cơ quan vi phạm pháp luật về lĩnh vực tư pháp. Khi đã được giám sát, kiến nghị mà không thực hiện, cố tình vi phạm thì chúng ta phải có thái độ rõ ràng, xử lý nghiêm. Đối với lĩnh vực tư pháp, được coi là “bà đỡ” của nền kinh tế, xã hội thì càng phải xử lý nghiêm bởi vì nếu chúng ta không làm thì tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, đương nhiên sẽ xâm hại vào các lợi ích của Nhà nước, nhân dân.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một nền tư pháp công khai, minh bạch đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Vì vậy, muốn minh bạch, chúng ta phải hạn chế việc ngăn cấm các luật sư tham gia vào quá trình điều tra, truy tố. Đồng thời, các cơ quan tư pháp phải tôn trọng quyền tác nghiệp của báo chí, báo chí có quyền đưa tin, tham gia vào các quá trình hoạt động tư pháp để đảm bảo tính minh bạch trừ những trường hợp là bí mật nhà nước.

Theo tôi, vấn đề tư pháp cũng cần phải được tuyên truyền mạnh mẽ hơn để cho người dân hiểu được, công khai minh bạch, mọi thứ phải được đưa ra ánh sáng.

PV: Thưa ông, như ông vừa chia sẻ, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế. Vậy trong thời gian tới chúng ta phải có những biện pháp nào để tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động tư pháp?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi, hiện nay về mặt thể chế, chúng ta cũng đã xây dựng tương đối, nhưng về mặt cơ chế thì chưa hoàn thiện. Tôi lấy ví dụ như hiện nay chúng ta chưa có Tòa án hiến pháp. Chúng ta thiếu cơ chế phân công trách nhiệm cho các đại biểu, cho các đoàn ĐBQH, tỉ lệ, chỉ tiêu thực hiện quyền giám sát như thế nào. Vấn đề này tôi cũng đã có đề nghị là mỗi một đại biểu phải thực hiện trách nhiệm của mình. Ở đây quyền phải đi liền với trách nhiệm. Mỗi một năm phải giám sát bao nhiêu việc, giám sát cái gì, chứ không thể giám sát một cách chung chung được. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải giám sát các vụ việc về mặt kinh tế, xã hội, phải giám sát các hoạt động tư pháp như thế nào, phải chỉ rõ giám sát cái gì.

Vấn đề thứ hai, theo tôi sắp tới sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội thì phải xem xét việc thành lập Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội. Đây phải là một đầu mối giúp Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao cũng như quyền giám sát của các Ủy ban và Hội đồng dân tộc. Hiện nay chúng ta không có đầu mối để thực hiện quyền giám sát.

Vấn đề thứ ba, tôi cho rằng quan trọng nhất là cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát. Hiện nay, chúng ta có công tác kiểm tra, thanh tra nhưng công tác giám sát  chưa được quan tâm đúng mức, vẫn có đề cập đến vấn đề này nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Đảng phải có những Nghị quyết riêng về vấn đề giám sát. Trong quy định phải nói rõ vai trò lãnh đạo công tác giám sát đối với các cơ quan như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu dân cử. Các cơ quan Đảng phải coi giám sát như một nội dung thực hiện chứ không phải chỉ như một vấn đề kiểm tra hay các vấn đề khác. Hiện nay, chúng ta quy định chức năng, nhiệm vụ về hoạt động giám sát nhưng chúng ta lại không tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở đó coi như chúng ta gần như bỏ trống trận địa.

Vấn đề thứ tư là làm thế nào để tăng cường xử lý trách nhiệm tất cả các cán bộ lãnh đạo cho đến các cơ quan tư pháp. Trong quá trình hoạt động ấy nếu chúng ta có một thái độ quyết liệt xem xét xử lý thì mới đủ sức răn đe, đặc biệt là các vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, xâm phạm quyền con người, xâm phạm quyền trẻ em. Làm được những việc này, chúng ta sẽ tăng cường được vai trò trách nhiệm và nâng cao ý thức, lấy lại được niềm tin của người dân trong hoạt động tư pháp.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giám sát hoạt động tư pháp sẽ lấy lại niềm tin nhân dân