Trong tháng 3/2016, TANDTC sẽ tổ chức 02 cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho một số bản án, quyết định giám đốc thẩm được lựa chọn làm án lệ.
Theo kế hoạch công tác, trong tháng 3/2016, TANDTC sẽ tổ chức 02 cuộc Hội thảo (tại Hà Nội và TP.HCM) để lấy ý kiến các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn đối với một số bản án, Quyết định giám đốc thẩm của TANDTC được đề xuất phát triển thành án lệ, để trên cơ sở đó sẽ xem xét, lựa chọn ban hành Tập án lệ đầu tiên trong quý II/2016.
Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật định hướng đến năm 2020” và giao cho Tòa án nhân dân tối cao nhiệm vụ phát triển án lệ được nêu rõ tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; theo đó “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm…”.
Một buổi hội thảo về áp dụng án lệ
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã quy định nhiều điểm mới về chức năng, nhiệm vụ và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của các Tòa án. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “Lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết và phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (điểm c, khoản 2, Điều 22 Luật Tổ chức TAND).
Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo Nghị quyết này, án lệ được hiểu là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố là án lệ, để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:
1. Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; 2. Có tính chuẩn mực; 3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
Theo quy trình lựa chọn và công bố án lệ, đã quy định việc đăng các bản án, quyết định được đề xuất, nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ trên các phương tiện thông tin-truyền thông (Tạp chí TAND, Cổng thông tin điện tử) để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Đây là một hoạt động nhằm huy động rộng rãi tri thức, trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những chuyên gia pháp lý, những nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật để phân tích, bình luận về các nội dung được dự kiến phát triển thành án lệ, tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, đảm bảo cho hoạt động xét xử của Tòa án phải thực sự đem lại công lý cho xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 03 nêu trên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, thời gian qua, Cổng Thông tin điện tử TANDTC, Tạp chí TAND đã mở chuyên mục về “án lệ”, đăng tải các bản án, quyết định có chứa đựng những nội dung được đề xuất phát triển thành án lệ; tiếp nhận các ý kiến góp ý, bình luận và sẽ đăng tải các án lệ sau khi được Hội đồng Thẩm phán thông qua và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký quyết định ban hành.
Cổng thông tin điện tử TANDTC đã đăng tải gần 40 bản án, quyết định trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính có chứa đựng những nội dung được đề xuất để phát triển thành án lệ để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Hàng tháng, Tạp chí TAND đã đăng tải 02 bản án, quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (năm 2015 đã đăng 48 bản án, quyết định Giám đốc thẩm). Tới đây, Tạp chí TAND sẽ xuất bản “Đặc san về án lệ” để tăng tải những bản án, quyết định được coi là nguồn của án lệ. Theo kế hoạch công tác, trong tháng 3/2016, TANDTC sẽ tổ chức 02 cuộc Hội thảo (tại Hà Nội và TP.HCM) để lấy ý kiến các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn đối với một số bản án, Quyết định giám đốc thẩm của TANDTC được đề xuất phát triển thành án lệ, trên cơ sở đó sẽ xem xét, lựa chọn ban hành Tập án lệ đầu tiên trong quý II/2016.
Thực tế cho thấy, sau khi đăng tải các bản án, quyết định Giám đốc thẩm có chứa đựng những nội dung được đề xuất để phát triển thành án lệ trên Cổng thông tin điện tử TANDTC, số lượng độc giả truy cập vào chuyên mục này tăng lên gấp nhiều lần. Qua đó cho thấy rằng, việc lấy ý kiến nhân dân về phát triển án lệ là một hoạt động bổ ích và thiết thực, nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của đông đảo các cá nhân, tổ chức đóng góp ý kiến vào công tác hoàn thiện pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp nói chung, chất lượng xét xử của Tòa án nói riêng; giúp cho Tòa án thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ công lý, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới.
Với ý nghĩa và giá trị đã được thừa nhận của án lệ theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, việc áp dụng án lệ ở Việt Nam sẽ giúp cho Toà án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh đòi hỏi của người dân và xã hội đối với công tác Tòa án ngày càng cao; những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp; nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ, còn có những cách hiểu chưa thống nhất; còn có những vấn đề chưa có quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh.
Áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội.