Tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ngày 16 và 17/11, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ và trả lời chất vấn các ĐBQH.
Theo đó, nội dung vấn đề Chánh án trả lời chất vấn đã phản ánh khá trung thực tình hình thực tế hiện nay.
Thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội
Nội dung quan trọng mà các Nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH đề cập đến về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC về công tác Tòa án, tập trung vào các vấn đề như: Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, công chức Tòa án các cấp trong sạch, vững mạnh; cùng với đó là việc nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự, nhất là các vụ án tham nhũng; rà soát các trường hợp đã xét xử có mức án trên 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình nhưng có đơn kêu oan…
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, lãnh đạo TANDTC đã xây dựng các kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch này. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trong những năm qua được tăng cường, đặc biệt chú trọng đổi mới về nội dung, nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán để đáp ứng yêu cầu chuyên môn.
Để nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; rà soát các trường hợp có đơn kêu oan; khắc phục tình trạng án quá hạn luật định, án tuyên không rõ ràng, TANDTC đã chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, đặc biệt 3 giải pháp mang tính đột phá là: Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức… Việc tranh tụng tại phiên tòa được thực hiện ở tất cả các phiên tòa xét xử các loại vụ án. Hội đồng xét xử ngoài việc xây dựng kế hoạch xét hỏi và tranh luận, đã đảm bảo cho các bên trình bày hết ý kiến của mình về những vấn đề liên quan tới việc giải quyết vụ án; tăng cường tổ chức “phiên tòa rút kinh nghiệm”… Chính vì vậy, chất lượng xét xử các loại án được nâng lên rõ rệt; việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người không có tội.
Cũng theo Chánh án TANDTC, việc kiểm tra, rà soát các vụ án hình sự đã xét xử có mức án phạt tù từ 20 năm, chung thân đến tử hình, có đơn kêu oan được TANDTC chỉ đạo thực hiện rốt ráo. TANDTC đã tham gia tổ công tác liên ngành xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan Trung ương; đồng thời đã xem xét, giải quyết 35/50 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Thông qua kết quả giải quyết cho thấy, về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật.
Về nâng số lượng và chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong thời gian qua, Chánh án TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử ngay từ cấp sơ thẩm, phúc thấm; đề cao trách nhiệm của các Toà án trong việc phát hiện và kiến nghị các sai lầm trong quá trình giải quyết vụ án nên việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ giải quyết tăng hơn cùng kỳ năm trước và vượt 3,3% so với yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội
Đi cùng với các biện pháp nêu trên, TANDTC xác định cán bộ là khâu then chốt nên rất chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ của cán bộ, công chức. “Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm đều được khẩn trương xem xét, kết luận để có biện pháp xử lý kịp thời. Những cán bộ có hành vi vi phạm được xử lý nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung”, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Về việc trả lời chất vấn bằng văn bản của các ĐBQH, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, từ kỳ họp thứ hai đến kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, Chánh án TANDTC nhận được 52 chất vấn của 47 ĐBQH. Việc xem xét, nghiên cứu trả lời văn bản chất vấn của các ĐBQH được Chánh án TANDTC thực hiện khẩn trương với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, cụ thể, đúng trọng tâm. Bên cạnh đó đã nghiêm túc tiếp thu các chất vấn của ĐBQH để nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác và lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp khắc phục. Đến nay, Chánh án TANDTC đã trả lời hết các câu hỏi mà các đại biểu chất vấn.
TANDTC đã chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, đặc biệt 3 giải pháp mang tính đột phá là: Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Và, kết quả đã đạt được rất khả quan.
Với quyết tâm chính trị của mình, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định, thời gian tới sẽ tập trung vào các vấn đề như: Tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm; triển khai thực hiện tốt Luật Tổ chức TAND năm 2014; đẩy nhanh việc bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức có chức danh tư pháp, nhất là đội ngũ Thẩm phán; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công tác cho cán bộ, Thẩm phán; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ… Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó tập trung nghiên cứu, làm rõ nội hàm của quyền tư pháp, trên cơ sở đó thể chế hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND trong các luật tố tụng tư pháp.
Ý kiến của ĐBQH xung quanh Báo cáo trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh): Nhìn chung, báo cáo trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC đã khái quát được toàn bộ công việc của Tòa án trong nhiệm kỳ qua và nêu bật những gì đã đạt được của Tòa án trong năm 2014-2015. Đó là việc triển khai thực hiện Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND, xây dựng các luật về tố tụng thể chế tinh thần Hiến pháp về vai trò, nhiệm vụ của Tòa án… Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Chánh án TANDTC trước nhiệm kỳ Quốc hội này, trong đó có các công việc chỉ đạo tổng kết thi đua; giám sát oan sai, thực hiện chỉ tiêu xét xử; vấn đề tống đạt quyết định, tạm giam, tạm giữ, tạm giam không đúng quy định… Do vậy, vấn đề án quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Thẩm phán đã giảm nhiều so với trước đây; không có việc xét xử oan người không có tội. Đáng chú ý, những giải pháp thực hiện trong thời gian tới mà Chánh án đưa ra, tôi thấy khá đầy đủ, chỉ cần làm tốt những giải pháp đó đã là tốt rất nhiều cho Tòa án rồi. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện có hiệu quả cần có những đặc thù như chế độ đãi ngộ đối với Thẩm phán, cần đảm bảo sự độc lập của Thẩm phán trong xét xử… ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội: Phải nói rằng, trong mảng hoạt động tư pháp và tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, báo cáo của Chánh án TANDTC cũng đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện, rõ ràng về tình hình thực tiễn hiện nay. Báo cáo cũng đã thể hiện những nỗ lực của Tòa án trong việc thực hiện cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay. Phiên chất vấn này, tôi và các ĐB khác không phải quan tâm đến các vấn đề lượng án của Tòa án xử có kháng nghị, kháng cáo giám đốc thẩm vẫn còn nhiều, mà băn khoăn là người dân cho rằng, do khâu xét xử cấp dưới làm chưa tốt, trình độ Thẩm phán còn hạn chế hay do tâm lý “chân lý cũng phải đến điểm cuối cùng” nên án dồn lên cấp giám đốc thẩm, tái thẩm quá nhiều như vậy. Bên cạnh đó, Luật, Hiến pháp quy định xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, nên có thể vì chưa yên tâm, người dân kháng cáo lên giám đốc thẩm, tái thẩm mới dẫn đến tình trạng quá tải như vậy. Còn vấn đề oan sai trong thời gian vừa qua, tôi thấy Chánh án đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này. Song thực tế, phải nói rằng, số án oan không nhiều, chỉ vài vụ nhưng từ vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn thấy rõ một điều rằng, từ những quy định của pháp luật, mà những vụ án oan đó trách nhiệm thuộc về Tòa án. Điều đó chưa thật đúng, vì quá trình tố tụng là một chuỗi từ khâu điều tra, truy tố đến xét xử và Tòa án cũng chỉ là một khâu trong tố tụng mà thôi. Khi xét xử, Thẩm phán không được quyền và không thể điều tra, nên mọi phán quyết hay suy đoán đều phụ thuộc vào chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà CQĐT đã thực hiện. Rõ ràng, đây là quá độ để chúng ta chuyển từ tố tụng cũ sang tố tụng mới hiện nay. Tôi hy vọng rằng, với các quy định của Luật tố tụng (sửa đổi) hiện nay sẽ làm thay đổi những hạn chế đó. Tòa án phát hiện ra những vi phạm trong tố tụng có quyền trả hồ sơ điều tra lại, nếu điều tra lại vẫn không làm rõ, Tòa án căn cứ vào kết quả tranh tụng tại Tòa án để đưa ra phán quyết của mình. |