TANDCC tại Đà Nẵng: Trọng tâm là xét xử các phiên toà theo hình thức trực tuyến

Anh Vũ| 05/10/2022 17:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

“Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội cũng như chủ trương của TANDTC về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có một ý nghĩa đặc biệt to lớn, không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế, xã hội. Các chủ trương này xuất phát từ thực tiễn và đã trở về phục vụ thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ bởi lẽ đã phục vụ cho nhân dân một cách tốt nhất", TS. Nguyễn Văn Bường - Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng cho biết.

Sự ra đời của Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội, các yêu cầu về cải cách tư pháp của TANDTC, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử. Do đó, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời là nhu cầu, xu hướng tất yếu của Tòa án. Với tinh thần đó TANDCC tại Đà Nẵng đã bước đầu thực hiện thành công nội dung này.

Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo quyết liệt, quyết đoán nên các phiên tòa trực tuyến của TANDCC tại Đà Nẵng diễn ra đảm bảo tại các điểm cầu với đầy đủ hình ảnh, âm thanh và các bị cáo, đương sự tham gia đầy đủ các trình tự, thủ tục tố tụng bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai giúp cho việc tranh tụng được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 8/8/2022, TANDCC tại Đà Nẵng được lắp đặt phòng xét xử trực tuyến tại trụ sở Tòa án nhưng đến nay đơn vị đã tổ chức xét xử hơn 100 phiên tòa trực tuyến. Trong đó, có hàng chục vụ án hành chính, cầu truyền hình, cầu trực tuyến được kết nối đến tận TAND cấp tỉnh, cấp huyện, Văn phòng các cấp chính quyền địa phương. Các phiên tòa trực tuyến bước đầu mang lại hiệu quả cao, đảm bảo các quy định về tố tụng, tiết kiệm được chi phí, tiền bạc, vật chất, thời gian, công sức cho đương sự, chính quyền và Tòa án.

Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Văn Bường - Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng về những nội dung liên quan đến việc toà án triển khai tổ chức các phiên toà trực tuyến.

PV: Hằng năm, đơn vị thụ lý và giải quyết các vụ án với số lượng lớn vì vậy giải quyết đảm bảo về thời hạn xét xử gặp nhiều khó khăn. Việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là giải pháp phù hợp đảm bảo việc giải quyết án kịp thời. Chánh án có chia sẻ gì về việc này thưa ông?

Chánh án Nguyễn Văn Bường: Đối với TANDCC tại Đà Nẵng, hằng năm thụ lý và xét xử phúc thẩm hàng nghìn vụ án. Từ đầu năm đến nay đã xét xử 1.200 vụ, trong đó có 30% là án hành chính. Việc đưa công nghệ hiện đại vào để tổ chức phiên toà trực tuyến rất có lợi cho chính quyền, người dân và xã hội. Địa bàn miền Trung – Tây Nguyên trải dài hàng nghìn km, mỗi lần đi xét xử rất tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức. Tổ chức một phiên toà nếu vì tố tụng mà không xét xử được phải hoãn thì rất mất thời gian cho chính quyền, người dân, cho đương sự và cho cả Toà án.

Vì vậy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh cũng như hỗ trợ xử lý giảm tải quá hạn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án giúp cho việc giải quyết án được kịp thời. Bên cạnh đó, sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian cho đương sự, cho chính quyền, Toà án và cho xã hội.

PV: Là người giữ vai trò chủ tọa phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức xét xử trực tuyến, xin ông cho biết việc tổ chức xét xử trực tuyến như thế này có đảm bảo nguyên tắc tố tụng hay không?

Chánh án Nguyễn Văn Bường: Qua rất nhiều phiên toà đã xét xử, chúng tôi thấy rằng dù xét xử trực tuyến hay trực tiếp thì HĐXX phải tuân thủ pháp luật, phải đảm bảo được quyền cơ bản của đương sự và tôn trọng quyền con người, tạo điều kiện cho đương sự thực hiện một cách tốt nhất, tối đa nhất quyền lợi của họ.

Chúng tôi luôn làm tốt công tác chuẩn bị nên các phiên toà trực tuyến diễn ra đảm bảo tại các điểm cầu với đầy đủ hình ảnh, âm thanh và các bị cáo, đương sự tham gia đầy đủ các trình tự, thủ tục tố tụng bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai do đó việc tranh tụng được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian đầu, có ý kiến băn khoăn về phiên tòa trực tuyến sẽ không đảm bảo về tranh tụng vì diễn biến phiên tòa không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng như các bên tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, với quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 và Thông tư số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của TANDTC, Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến và qua các phiên tòa trực tuyến đã diễn ra thì xác định phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm cầu khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

anh-1-ts.-nguyen-van-buong-chanh-an-toa-an-nhan-dan-cap-cao-tai-da-nang..jpg
TS. Nguyễn Văn Bường – Chánh án Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

PV: Chánh án nhận thấy cách xét xử này có những ưu và nhược điểm gì thưa ông?

Chánh án Nguyễn Văn Bường: Xét xử trực tuyến về cơ bản có rất nhiều ưu điểm, chỉ một vài sự cố do đường truyền hay hình ảnh có khi bị nhiễu nhưng các cán bộ kỹ thuật vẫn xử lý được.

Như TANDCC tại Đà Nẵng, chúng tôi quản lý về thẩm quyền theo lãnh thổ đối với TAND 12 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, trải dài hàng nghìn km nên áp dụng công nghệ này rất phù hợp, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, chính trị mà còn cả về mặt xã hội. Trước đây khi xử các vụ án hành chính, dân sự nói chung thì HĐXX phải tổ chức phiên toà lưu động đi từng tỉnh để xử và có một thời gian triệu tập đương sự kể cả chính quyền về tại TANDCC tại Đà Nẵng, ví dụ từ Đăk Lăk về Đà Nẵng 700km, từ Khánh Hoà về Đà Nẵng gần 600km… điều đó dẫn đến trở ngại về địa lý, đi lại xa xôi cách trở nhưng nếu hoãn phiên toà thì càng tốn kém và mất thời gian.

Nay xét xử bằng hình trực tuyến với các điểm cầu ở mọi nơi nên đương sự chỉ đến toà án địa phương, thậm chí họ có trình độ công nghệ có thể ngồi tại nhà để tham gia phiên toà; đặc biệt là chính quyền vừa có thể có mặt tại cơ quan phục vụ yêu cầu chuyên môn khác, vừa có thể theo dõi được phiên toà. Điều này sẽ khắc phục được trường hợp các đương sự vắng mặt phải hoãn phiên tòa và đảm bảo hơn cho nguyên tắc tranh tụng. Cơ quan toà án đảm bảo được việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ án khi không phải di chuyển nhiều.

Từ khi Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực, sau khi triển khai xét xử các vụ án bằng hình thức trực tuyến chúng tôi nhận thấy lợi ích rất lớn, vì thế thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng một kế hoạch xét xử trực tuyến có tính chất thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, những địa bàn ở xa như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và các tỉnh Tây Nguyên chúng tôi sẽ không tổ chức xét xử trực tiếp nữa mà tiến tới xét xử trực tuyến, khắc phục được tình trạng nếu hoãn phiên toà sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Dự kiến trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ đảm bảo 60-70% phiên toà sẽ được xét xử trực tuyến.

PV: Thưa Chánh án, để xét xử trực tuyến được hiệu quả, yếu tố đường truyền cùng đội ngũ nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt. Chánh án có ý kiến đánh giá gì về việc này?

Chánh án Nguyễn Văn Bường: Hiện nay, trong thời đại công nghệ số 4.0, mục tiêu cuối cùng trong cải cách tư pháp là để xây dựng Toà án điện tử, do đó muốn làm được điều này thì yếu tố con người và yếu tố công nghệ đóng vai trò rất quan trọng, trong đó yếu tố con người là then chốt.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng các phiên toà trực tuyến và đồng thời đáp ứng cho lợi ích của nhân dân một cách tốt nhất. Theo tôi, Nhà nước nên quan tâm tiếp tục đầu tư và hoàn hiện về hệ thống trực tuyến trong hệ thống TAND từ Tối cao cho đến cấp huyện để đảm bảo sự đồng bộ về công nghệ. Như thế chúng ta sẽ khắc phục được một số những tồn tại như hệ thống âm thanh, hình ảnh đôi lúc bị trục trặc ảnh hưởng đến phiên toà;

Đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin cho những người làm công tác xét xử thư ký, thẩm phán và các đồng chí cán bộ kỹ thuật, có như thế thì chất lượng của phiên toà trực tuyến mới được nâng cao.

Cần có sự quyết tâm quyết, đoán thực hiện cho bằng được chủ trương đúng đắn của Quốc hội, của TANDTC về tổ chức phiên Toà trực tuyến.

PV: Qua thực tiễn tổ chức các phiên toà trực tuyến, kinh nghiệm đã được rút ra là gì, thưa ông?

Chánh án Nguyễn Văn Bường: Đến nay, chúng tôi đã xét xử trên 100 vụ án bằng hình thức trực tuyến, qua đó một số kinh nghiệm được rút ra là: Các đồng chí lãnh đạo TANDCC tại Đà Nẵng, các đồng chí thẩm phán cần có sự quyết tâm và quyết đoán trong việc truyền tải chủ trương đúng đắn này vào đời sống xã hội; Chính quyền địa phương cần phối hợp với chúng tôi để đưa cổng thông tin truyền tải đường truyền đến tận nơi các đồng chí làm việc để các đồng chí không cần đi lại, vất vả và mất thời gian từ đó đem lại hiệu quả hơn; Đồng thời chứng minh cho người dân thấy rằng lợi ích của người dân đang được đáp ứng để người dân ủng hộ như thế mới tạo nền tảng vững chắc cho chúng ta xây dựng được Tòa án điện tử trong tương lai.

PV: Việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số. Chánh án có chia sẻ gì về việc này thưa ông? Hiện nay, TANDCC tại Đà Nẵng đã chuẩn bị như thế nào cho quá trình chuyển đổi số của Tòa án thưa Chánh án?

Chánh án Nguyễn Văn Bường: Tôi rất đồng tình với nhận định này bởi chúng ta không làm được điều này, không đưa công nghệ hiện đại vào xét xử để phục vụ người dân tốt nhất thì chúng ta sẽ bị tụt hậu.

Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội cũng như chủ trương của TANDTC về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có một ý nghĩa đặc biệt to lớn, không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế, xã hội. Tôi cho rằng, chủ trương này xuất phát từ thực tiễn và đã trở về phục vụ thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ, bởi lẽ đã phục vụ cho nhân dân một cách tốt nhất.

Chính thực tiễn kiểm nghiệm chủ trương này đó là nhân dân nhận thấy được họ được đáp ứng lợi ích, các cơ quan nhà nước chính quyền đều đồng tình ủng hộ. Vì vậy, Nghị quyết của Quốc hội và chủ trương của TANDTC về tổ chức phiên toà trực tuyến đã, đang và dần dần trở thành một giá trị của cuộc sống. Do đó chúng tôi có đủ cơ sở và niềm tin để tin tưởng rằng Tòa án điện tử sẽ hình thành trong tương lai gần.

Từ những kết quả và bài học kinh nghiệm có được, chúng tôi đang cố gắng rất nhiều, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ TANDTC. Chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn nhân lực, con người và đồng thời kể cả xã hội hoá nếu có điều kiện để nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư công nghệ để tổ chức phiên Toà trực tuyến tốt hơn bây giờ, hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng Toà án điện tử.

PV: Xin cảm ơn Chánh án về cuộc trò chuyện!

Vượt khó để tổ chức thực hiện thành công các phiên tòa trực tuyến, là nỗ lực của cả hệ thống TANDCC tại Đà Nẵng để thúc đẩy quá trình giải quyết các vụ án đúng hạn luật định, đặc biệt là trong hoàn cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ đơn vị TANDCC tại Đà Nẵng và sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, trong thời gian tới TANDCC tại Đà nẵng sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Qua đó vừa góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; vừa góp phần thúc đẩy quá trình “chuyển đổi số”, xây dựng “Tòa án điện tử” của hệ thống TAND trong thời gian đến.

Một số hình ảnh phiên Toà trực tuyến của TANDCC tại Đà Nẵng:

mot-so-hinh-anh-phien-toa-truc-tuyen-cua-tandcc-tai-da-nang.-1.jpg
mot-so-hinh-anh-phien-toa-truc-tuyen-cua-tandcc-tai-da-nang.-2.jpg
mot-so-hinh-anh-phien-toa-truc-tuyen-cua-tandcc-tai-da-nang.-3.jpg
mot-so-hinh-anh-phien-toa-truc-tuyen-cua-tandcc-tai-da-nang.4.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDCC tại Đà Nẵng: Trọng tâm là xét xử các phiên toà theo hình thức trực tuyến