TAND xét xử nghiêm minh các vụ án lớn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Thu Vân| 13/09/2018 14:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định.

“57/68 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án, trên 500 bị cáo với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn”, Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới đây đã đưa ra số liệu và đánh giá rất khả quan. Điều này khẳng định sự cố gắng, nỗ lực của TAND các cấp trong công tác xét xử, bảo vệ công lý.

TAND các cấp đã giải quyết hàng nghìn vụ án về tham nhũng

Phòng, chống tham nhũng (PCTN) là công việc quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước. Đây là chủ trương lớn đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ những ngày đầu giành độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, đến Đại hội Đảng lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Trước nguy cơ này, là cơ quan thực hiện chức năng xét xử với nhiệm vụ chính trị được giao là thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, TAND đã xác định đấu tranh, PCTN là nhiệm vụ khó khăn phức tạp và phải làm với quyết tâm lớn. Trong những năm qua, Ban cán sự đảng TANDTC đã thường xuyên chỉ đạo TAND các cấp quán triệt thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN. Tòa án đã triển khai phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết các vụ án tham nhũng đảm bảo đúng thời hạn, đẩy nhanh xác minh điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế, nhất là các vụ việc, vụ án kinh tế nghiêm trọng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" mà phạm tội.

Đối với những vụ án tham nhũng lớn đặc biệt nghiêm trọng, các Tòa án đều cử Thẩm phán tham gia phối hợp ngay từ trong quá trình điều tra, truy tố để nắm chắc các tình tiết khách quan của vụ án, đảm bảo cho việc xét xử đúng pháp luật, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo đó, TAND các cấp đã giải quyết hàng nghìn vụ án về tội phạm tham nhũng với hàng chục nghìn bị cáo. Trong đó, đã áp dụng phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với hàng trăm bị cáo, còn lại là các hình phạt khác tùy theo tính chất phạm tội. Ngoài các hình phạt chính, các Tòa án còn áp dụng các hình phạt bổ sung buộc các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, tịch thu tài sản trực tiếp liên quan đến tội phạm với tổng số tiền lớn.

Điển hình như các vụ án Nguyễn Đình Thản phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ở Công ty cổ phần Vinaconex 10 Đà Nẵng; Phạm Trọng Thi cùng đồng phạm phạm các tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vụ án Phạm Văn Cử và đồng phạm; vụ án Dương Thanh Cường và đồng phạm… Đáng chú ý là mới đây, TAND TP. Hà Nội đã xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN và OceanBank. TAND TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra xét xử các vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm… Đây là những đại án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội hết sức quan tâm không chỉ bởi quy mô, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, mà còn bởi hầu hết các bị cáo từng giữ các vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, thậm chí có bị cáo từng là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

TAND xét xử nghiêm minh các vụ án lớn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng

Nhiều vụ án HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa vì phát hiện tình tiết của dấu hiệu tội phạm mới. Điều này đã thể hiện tính cương quyết trong đấu tranh phòng chống tội phạm của TAND trong thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhất là đối với những vụ án tham nhũng trọng điểm.

Có thể nói, công tác xét xử các vụ án tham nhũng của TAND thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, ngăn chặn phòng ngừa và dần đẩy lùi hành vi tham nhũng. Công tác xét xử các vụ án tham nhũng đã bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, từng bước đáp ứng mục tiêu của Đảng về PCTN.

Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ, kết luận điều tra 11 vụ/170 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ/112 bị can; đưa ra xét xử sơ thẩm 16 vụ/163 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ/76 bị cáo. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời 5 vụ án tham nhũng, kinh tế rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả kê biên, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đạt tỷ lệ cao.

Ghi nhận những kết quả này, tại Phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhận định: “Sau 5 năm thành lập, Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực cố gắng, nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, làm việc trách nhiệm, nghiêm túc và thu được nhiều kết quả cụ thể, nhờ đó công tác PCTN có bước tiến mạnh, nhất là hơn 2 năm gần đây. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội”.

Nỗ lực trong từng phiên toà

Để có được những kết quả như trên không thể không nhắc đến các Thẩm phán, cán bộ, những người tham gia công tác xét xử tại các phiên tòa đã ngày đêm nỗ lực với khối lượng công việc khổng lồ. Theo quy trình, ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ VKS chuyển sang, lãnh đạo các đơn vị khẩn trương phân công các Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ, bố trí lịch xét xử để sớm đưa các vụ án ra xét xử kịp thời. Quy trình là vậy nhưng thực tế triển khai lại không hề dễ dàng, nhất là đối với những vụ án có quy mô lớn, số người tham gia tố tụng nhiều, hồ sơ lên tới hàng trăm nghìn bút lục, đòi hỏi Tòa án phải có sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cả về cơ sở vật chất và cán bộ nghiên cứu.

Trao đổi với PV Báo Công lý, Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Tòa Hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Các vụ án lớn đều có tính chất đặc biệt phức tạp do hành vi phạm tội của các bị cáo đều rất tinh vi, gắn kết chặt chẽ với nhau, nên để xét xử, đưa ra ánh sáng các hành vi phạm tội, buộc các bị cáo phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình một cách thuyết phục, được mọi người đồng tình thì số lượng hồ sơ cần nghiên cứu là đặc biệt lớn, trung bình mỗi hồ sơ là trên cả chục ngàn trang bút lục, có vụ án lên đến gần 50.000 trang bút lục. Trong khi đó thời hạn giải quyết các vụ án này lại ngắn nên đòi hỏi Thẩm phán, cán bộ giải quyết các vụ án phải làm việc hết sức khẩn trương với cường độ cao, thậm chí làm việc cả ngày thứ 7 và Chủ nhật trong nhiều tháng liền.

Đặc biệt đối với các vụ đại án, hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra rất lớn và nghiêm trọng cho Nhà nước, gây thiệt hại tới hàng ngàn tỷ đồng, trong khi hành vi phạm tội của các bị cáo thường kéo dài trong nhiều năm, với nhiều hành vi phạm tội khác nhau. Thông thường khi điều tra, truy tố sẽ được tách thành nhiều mảng, nhiều vụ án khác nhau. Tuy nhiên khi xét xử, giải quyết án, vấn đề quan trọng cần đặt ra là phải đảm bảo được tính toàn diện, do đó, việc nghiên cứu, tổng hợp thông tin, hồ sơ giải quyết vụ án gặp rất nhiều khó khăn trở ngại.

Cùng chung quan điểm, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh án Tòa Hình sự TAND TP. Hà Nội chia sẻ: Theo sự chỉ đạo của Trung ương cần kịp thời đưa ra truy tố và xét xử nhanh, kịp thời đối với những vụ án tham nhũng lớn, nên HĐXX gặp áp lực về thời gian. Hồ sơ chuyển sang Tòa án chỉ trong một thời gian rất ngắn, HĐXX đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Với khối lượng công việc lớn, thời gian gấp nên cán bộ phải tập trung cao độ để chuẩn bị hồ sơ một cách kỹ càng. Muốn làm được như vậy, HĐXX đã làm việc tới 14 tiếng mỗi ngày.

Liên quan đến công tác xét xử tại phiên toà phải kể đến việc nhiều trụ sở Tòa án hiện nay đang trong giai đoạn trùng tu sửa chữa, gặp rất nhiều khó khăn về trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác xét xử. Đặc biệt là các vụ án lớn với số lượng người tham gia tố tụng và người tham dự lên đến hàng trăm người, ngoài công tác chuyên môn nghiệp vụ còn phải đưa ra các kế hoạch chuẩn bị hết sức khoa học, bao gồm cả các kế hoạch hỗ trợ xung quanh phiên tòa nhằm giúp các phiên tòa công khai được diễn ra trong trật tự và đảm bảo được sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như phục vụ yêu cầu an ninh, chính trị được đề ra khi giải quyết các vụ án.

Đặc biệt khi xét xử các đại án, thì quy mô án, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và đối tượng phạm tội, đòi hỏi Chủ tọa phiên tòa phải có một bản lĩnh vững vàng. Theo Thẩm phán Trương Việt Toàn, đối với những đại án, HĐXX đôi khi cũng chịu áp lực bởi đa số các bị cáo là những chủ thể từng giữ những trọng trách rất cao trong cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, với tinh thần thượng tôn luật pháp, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, HĐXX luôn giữ một cung cách, thái độ trong quá trình thẩm vấn nhằm đảm bảo tính dân chủ, bởi vì chưa ai bị coi là có tội nếu chưa có bản án, chưa bị quy kết bởi bản án có hiệu lực pháp luật. Khi thẩm vấn, HĐXX cũng thẩm vấn ở mức độ nghiêm minh, nghiêm túc, không gay gắt đảm bảo tính tranh luận, tranh tụng một cách công khai tại phiên tòa.

Thẩm phán Phạm Lương Toản cũng cho rằng, xét xử các vụ đại án, bản thân Thẩm phán phải có bản lĩnh và nghiệp vụ vững vàng. Chính những yếu tố đó đã giúp cho các phiên tòa xét xử các vụ án lớn về tham nhũng vừa qua được đánh giá cao về công tác tổ chức phiên tòa và công tác xét xử. Các bản án sau khi tuyên nhận được sự đồng tình cao của xã hội và gần như đều được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND xét xử nghiêm minh các vụ án lớn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng