Nghiệp vụ

TAND TP. Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại

Mạnh Hùng 14/01/2025 - 14:28

Ngày 13/1, TAND TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Hòa giải, đối thoại tại Toà án năm 2025. Dự và chủ trì Hội nghị có ông Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội.

dai-bieu-du-hoi-nghi.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Xác định việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Theo báo cáo, năm 2024, TAND hai cấp TP. Hà Nội triển khai nhiệm vụ công tác trong bối cảnh tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp. Các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, khiếu kiện hành chính phát sinh nhiều với nội dung, tính chất ngày càng đa dạng.

Bên cạnh đó, TAND hai cấp TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đột phá “Nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện, án quá hạn thời hạn xét xử, án tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật”; triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, chuyển đổi số...

Trong điều kiện còn có nhiều khó khăn về biên chế và cơ sở vật chất, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo và tạo các điều kiện thuận lợi của TANDTC; Thành ủy, HĐND và UBND TP. Hà Nội; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành thành phố, chính quyền các địa phương cùng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, TAND hai cấp TP. Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển của Thủ đô.

Đối với công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, xác định nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt nên ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2021, lãnh đạo TAND TP. Hà Nội đã khẩn trương quán triệt, triển khai đến toàn thể lãnh đạo, công chức thuộc hệ thống TAND hai cấp TP. Hà Nội nghiêm túc nghiên cứu, triển khai, tuyên truyền công tác Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; cũng như chuẩn bị tốt nhất có thể về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, xét tuyển Hòa giải viên...

hoa-giai-vien.jpg
Các hòa giải viên chụp ảnh lưu niệm với diện lãnh đạo TAND TP. Hà Nội

Tính đến nay đã có 28/30 đơn vị TAND quận, huyện, thị xã đã triển khai thi hành Luật trong điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất còn hạn chế và nhiều khó khăn.

Năm 2024, TAND hai cấp TP. Hà Nội đã chuyển sang hòa giải, đối thoại 10.378 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; giải quyết 8.877 đơn. Trong tổng số đơn đã giải quyết, người khởi kiện rút 1.859 đơn; hòa giải, đối thoại thành 3.391 đơn; hòa giải đối thoại không thành 2.192 đơn. Tỷ lệ đơn hòa giải, đối thoại thành và rút đơn khởi kiện đạt tỷ lệ cao.

Trong đó, TAND TP. Hà Nội giải quyết 679 đơn/829 đơn thụ lý; TAND cấp huyện: Giải quyết 8.198 đơn/9.549 đơn thụ lý.

Để có được những kết quả nêu trên, tập thể cán bộ công chức Tòa án, nhất là người đứng đầu phải nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từ đó việc triển khai và thi hành Luật thật sự đạt hiệu quả.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ Hòa giải viên linh hoạt trong hành động, tâm huyết trong khi xử lý vụ việc, lắng nghe trình bày của các bên, có kỹ năng hòa giải tốt khi thực hiện nhiệm vụ.

dao-sy-hung.jpg
Ông Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội

Mặt khác, để giải quyết hiệu quả các tranh chấp ngay từ khi nhận đơn khởi kiện, cán bộ Tòa án và Hòa giải viên đã giải thích rõ đối với người có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để họ tự lựa chọn phương pháp phù hợp với vụ việc cần giải quyết. Bên cạnh đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án và các Hòa giải viên, chuẩn bị tốt việc hòa giải, bố trí thời gian phù hợp, bố trí điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc hòa giải..

Nhiều giải pháp then chốt sẽ được triển khai trong thời gian tới

Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những khó khăn và tồn tại trong năm 2024, TAND hai cấp TP. Hà Nội thực hiện một số giải pháp then chốt trong năm 2025.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai các hoạt động của công tác hòa giải, đối thoại của toàn bộ các đơn vị TAND hai cấp TP. Hà Nội, khắc phục mọi khó khăn để hoạt động có hiệu quả, đảm bảo chỉ tiêu.

Thống nhất toàn bộ đơn khởi kiện tranh chấp về dân sự, hôn nhân & gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, vụ án hành chính theo quy định của tố tụng dân sự và tố tụng hành chính phải được thực hiện hòa giải, đối thoại tại bộ phận hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án xử lý đơn khởi kiện và thụ lý vụ án theo trình tự tố tụng.

Thứ hai, trong quá trình nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, TAND hai cấp chú trọng tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho người khởi kiện, người yêu cầu biết, đây là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất.

Khi các bên hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà hòa giải, đối thoại mang lại cho họ thì họ sẽ lựa chọn cơ chế này và sự tin tưởng của các bên giúp cho quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại trở nên nhanh chóng, thuận lợi, góp phần vào sự thành công của quá trình hòa giải, đối thoại.

Thứ ba, tiếp tục lựa chọn, đề xuất người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm Hòa giải viên, trong đó đặc biệt quan tâm đến người có uy tín trong cộng đồng dân cư đáp ứng các tiêu chuẩn quy định để tập huấn, bồi dưỡng, bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

cac-hoa-giai-vien.jpg
Đại diện lãnh đạo TAND TP Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với các hòa giải viên

Thứ tư, thường xuyên mở hội nghị trao đổi, tọa đàm nghiệp vụ để tạo điều kiện cho Thẩm phán, Thư ký, Hòa giải viên nắm chắc các quy định pháp luật, đặc biệt là kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Cần quan tâm đến kỹ năng xác định đối tượng khởi kiện, thẩm quyền giải quyết của Tòa án để việc hòa giải, đối thoại đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Thứ năm, tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra đối với các TAND cấp huyện trong việc triển khai, thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại cũng như đảm bảo tiến độ công tác triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá, biểu dương, khen thưởng, đề nghị khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, Thẩm phán, Hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại. Thực hiện ngay việc thành lập Bộ phận hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm và triển khai hoạt động ngay sau khi được thành lập.

Cuối cùng là, đề xuất TANDTC thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho TAND các cấp, nhất là đội ngũ Hòa giải viên; sớm đầu tư cơ sở vật chất, cấp trang thiết bị phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại; xây dựng quy định về cơ chế quản lý bộ phận Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để giúp cho hoạt động được chính quy và thống nhất.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh án TAND TP Đào Sỹ Hùng cho biết, việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP. Hà Nội đã đem lại những hiệu quả tích cực, không chỉ giúp giảm tải công việc của Tòa án mà rất nhiều đương sự đã hiểu và lựa chọn phương án hòa giải, đối thoại để giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của mình. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết được triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử.

Đơn vị sẽ phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những khó khăn và tồn tại, tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp then chốt nhằm đạt được những kết quả cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND TP. Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại