Thời gian qua, bằng sự đoàn kết, cố gắng nỗ lực tập thể lãnh đạo, Thẩm phán, người lao động TAND TP Bạc Liêu liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua của TAND hai cấp tỉnh Bạc Liêu.
Vượt chỉ tiêu xét xử các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến
Thực hiện Chỉ thị số 01/2024/CT-TA ngày 02/01/2024 của Chánh án TANDTC yêu cầu mỗi đơn vị TAND cấp huyện tổ chức được ít nhất 01 phiên tòa rút kinh nghiệm được truyền hình trực tuyến đến TAND hai cấp trong tỉnh.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí là đơn vị trung tâm của tỉnh, TAND TP Bạc Liêu thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, tình hình vi phạm, tội phạm diễn biến phức tạp, nhiều mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân với tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp nên việc giữ vững thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện còn thiếu biên chế là một thách thức rất lớn đối với đơn vị trong năm 2024.
Đánh giá được những mặt thuận lợi và khó khăn trong thực thi nhiệm vụ, lãnh đạo TAND TP Bạc Liêu đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 với những giải pháp cụ thể, sát với tình hình của đơn vị, trong đó có giải pháp tổ chức thực hiện tốt phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến án hình sự để thực hiện đạt đồng thời 2 mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu công tác năm và đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, góp phần hiện đại hóa hoạt động của hệ thống TAND, hướng đến xây dựng Tòa án điện tử.
Trong năm 2024, TAND TP Bạc Liêu đã nỗ lực hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu công tác như: thụ lý 1.833 vụ án, giải quyết 1.778 vụ án, đạt tỷ lệ 97%; giải quyết các loại án hình sự, hành chính và xử lý hành chính đều đạt 100%; các loại án dân sự đạt 96%; hòa giải thành các tranh chấp dân sự đạt 75%.
TAND TP Bạc Liêu có 12 Thẩm phán và đã tổ chức được 64 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có 30 phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến được truyền hình đến TAND 2 cấp trong tỉnh.
Qua đó tổ chức xét xử nhanh chóng, đảm bảo thực hiện nguyên tắc Tư pháp không chậm trễ, tạo cơ chế thuận lợi để bị cáo và người tham gia tố tụng khác tham dự phiên tòa, tiết kiệm thời gian và chi phí xã hội. Đây là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử.
Nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả
Trong năm 2024, TAND TP Bạc Liêu đã tổ chức 30 phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến đối với án hình sự được truyền hình đến TAND hai cấp trong tỉnh, trung bình mỗi Thẩm phán tổ chức 2,5 phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến án hình sự. So với chỉ tiêu nhiệm vụ trên giao, toàn đơn vị đã thực hiện vượt 30 lần.
Các phiên tòa dựa trên nền tảng mô hình tố tụng hình sự pha trộn theo hướng thiên về tranh tụng mà đơn vị đã tổ chức thực hiện cho các phiên tòa rút kinh nghiệm, kết hợp việc kết nối đường truyền trực tuyến đến các điểm cầu thành phần của Nhà tạm giữ Công an thành phố TP. Bạc Liêu và TAND hai cấp trong tỉnh, mời các đơn vị này dự khán trực tuyến và có ý kiến góp ý tại phiên họp rút kinh nghiệm trực tuyến sau khi kết thúc phiên tòa.
Từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến án hình sự và nâng cao kỹ năng xét xử của đội ngũ người tiến hành tố tụng, đặc biệt là đối với thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Trên cơ sở đó góp phần thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị cáo, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Việc nghiên cứu nâng cao chất lượng xét xử thông qua đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị khóa IX với hình thức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến là một dấu ấn nổi bật trong tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng Tòa án điện tử, qua đó khẳng định vai trò và vị thế quan trọng của hệ thống TAND trong công cuộc cải cách tư pháp và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Việc lồng ghép phiên tòa rút kinh nghiệm với phiên tòa trực tuyến là một giải pháp mới mang tính sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tòa án. Thế nên, việc nghiên cứu tổ chức tốt phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến xét xử án hình sự không chỉ giúp Tòa án hoàn thành chỉ tiêu công tác năm mà còn giúp tiết kiệm được chi phí phát sinh trong hoạt động xét xử và đẩy mạnh sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Bà Trần Bích Ngọc - Chánh án TAND TP. Bạc Liêu cho biết, để thực hiện các phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến như hiện nay, thậm chí là bị cáo ở ngoài tỉnh (ở các trại tạm giam tỉnh bạn); Tòa án đã được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TAND cấp tỉnh, sự hỗ trợ về cơ sở vật chất (mượn chỗ nơi xét xử); sự phối kết hợp rất tốt giữa các đơn vị, nhất là trong vấn đề kết nối đường truyền trực tuyến đến các điểm cầu thành phần của Nhà tạm giữ Công an TP. Bạc Liêu và TAND 2 cấp trong tỉnh, mời các đơn vị này dự khán trực tuyến và có ý kiến góp ý tại phiên họp rút kinh nghiệm trực tuyến sau khi kết thúc phiên tòa.
Từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến án hình sự và nâng cao kỹ năng xét xử của đội ngũ người tiến hành tố tụng. Là tiền đề để nhân rộng việc áp dụng mô hình phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến đối với các loại án khác tại đơn vị và trong toàn hệ thống TAND.
Bằng những thành tích tiêu biểu xuất sắc, năm 2024 TAND TP Bạc Liêu vinh dự nhận “Cờ Thi đua Tòa án nhân dân”, đặc biệt TAND TP Bạc Liêu còn được Chánh án TANDTC khen thưởng đột xuất cho tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến cao nhất toàn quốc năm 2024.