Thời gian qua, TAND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, thiết thực, góp phần chống tiêu cực trong hệ thống 2 cấp tòa. Đặc biệt, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trên tinh thần Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã khẩn trương, quán triệt đến toàn thể TAND hai cấp trong tỉnh.
Ban cán sự TAND tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước và TAND tối cao về thực hiện các nhiệm vụ PCTN, lãng phí, phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động của tòa án. Để tăng cường sự kiểm tra, giám sát chéo, TAND đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và thực hiện đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử đối với công chức tòa án.
Quá trình thực hiện, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tạo môi trường tư pháp công khai, minh bạch. Chú trọng công tác cán bộ và xem đây là điều kiện để triển khai các nhiệm vụ cụ thể, lấy phòng ngừa là chính. Đơn vị còn triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập.
Trao đổi với PV, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Nga cho biết: Minh bạch, công khai, thượng tôn pháp luật đó là cơ sở vững chắc cho việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra. Nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác xét xử, ngay từ đầu năm 2021, TAND tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm tra nghiệp vụ đối với TAND cấp huyện; qua đó đã nghiên cứu 3.876 bản án, quyết định TAND cấp huyện xét xử đã có hiệu lực pháp luật; rút 2.015 hồ sơ vụ việc để kiểm tra. Ban hành 10 kết luận kiểm tra và rút kinh nghiệm đối với TAND cấp huyện.
Thông qua công tác kiểm tra nghiệp vụ, những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động nghiệp vụ kịp thời được chấn chỉnh và rút kinh nghiệm, kiến nghị với TAND cấp cao xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với 2 vụ án có sai phạm. Thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị, ngay từ đầu năm công tác các đơn vị trong TAND hai cấp đã phối hợp với công đoàn mở hội nghị cán bộ, công chức; qua đó thực hiện việc công khai, minh bạch tài chính trong việc quản lý và sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính trong cơ quan và các nội dung liên quan, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, người lao động, thanh tra Nhân dân tại đơn vị giám sát bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về các chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã xây dựng, như: bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác và quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô...
TAND hai cấp đẩy mạnh việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, công khai các thủ tục khởi kiện tại trụ sở đơn vị; bảo đảm cho tổ chức, công dân giám sát các hoạt động của cơ quan, đơn vị và làm cho cán bộ, công chức có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ, nhiệm vụ của mình, góp phần tham gia đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí, thói hách dịch cửa quyền, gây nhũng nhiễu cho tổ chức, công dân... Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, TAND hai cấp chưa xảy ra trường hợp vi phạm quy định về PCTN, lãng phí.
Thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và TAND Tối cao đối với công tác PCTN trong hoạt động của tòa án. Báo cáo kịp thời, đầy đủ, trung thực nội dung vụ án và đề xuất, chịu trách nhiệm với cấp ủy về đường lối giải quyết vụ án. Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao chất lượng công tác xét xử; đảm bảo các bản án, quyết định của tòa án tuyên nghiêm minh, đúng pháp luật, đủ sức răn đe chung trong xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng giải quyết dứt điểm những vụ án tồn đọng, nhất là các vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra và nâng cao công tác tự kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh để có giải pháp xử lý, khắc phục hiệu quả... Đảm bảo việc xét xử diễn ra minh bạch, công bằng, đúng người, đúng tội, thượng tôn pháp luật.