TAND tỉnh Quảng Trị: Thực hiện tốt 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

Mạnh Hùng (Thực hiện)| 24/09/2020 06:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thẩm phán cao cấp Lê Hồng Quang, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với PV Công lý về một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử và những kết quả đã đạt được trong thời gian qua.

TAND tỉnh Quảng Trị: Thực hiện tốt 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

Đồng chí Lê Hồng Quang, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị

PV: Thưa Chánh án, được biết, TAND tỉnh Quảng Trị là một đơn vị còn nhiều khó khăn của vùng ven biển miền trung. Tuy nhiên, đến nay TAND tỉnh Quảng Trị được biết đến là một đơn vị vững mạnh về mọi mặt, ông chia sẻ đôi chút về hệ thống TAND của tỉnh Quảng Trị hiện nay.

Chánh án Lê Hồng Quang: Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường ổn định và phát triển; chất lượng và số lượng giải quyết án đều vượt chỉ tiêu; nhiệm vụ cải cách tư pháp được chú trọng; uy tính, vai trò của Toà án được khẳng định.

Hiện nay TAND hai cấp có 143 công chức và người lao động, với 9 đơn vị TAND cấp huyện và 3 Tòa chuyên trách, 3 phòng giúp việc thuộc TAND tỉnh. Chánh án TAND hai cấp đều tham gia cấp ủy; cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại.

Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội hoạt động hiệu quả, được khen thưởng cao: Đảng bộ TAND tỉnh có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; Công đoàn, Chi hội Luật gia được tặng Bằng khen; Đoàn thanh niên được tặng Cờ thi đua xuất sắc,… Nhiều tổ chức, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc và bằng khen của Chánh án TANDTC. Năm 2019, TAND tỉnh được TANDTC tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu khối nội chính.

PV: Trong thời gian qua TAND tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử các giải pháp như thế nào? Có những thuận lợi, khó khăn gì và kết quả đạt được ra sao thưa Chánh án?

Chánh án Lê Hồng Quang: Cùng với việc quán triệt, triển khai kịp thời 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, lãnh đạo TAND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho TAND hai cấp tổ chức thực hiện. Giao Văn phòng và Phòng Tổ chức cán bộ theo dõi, đôn đốc. Định kỳ, có sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm; 14 giải pháp được thực hiện toàn diện, hiệu quả tích cực. Cụ thể:

Tăng cường áp dụng thống nhất pháp luật bằng việc tham gia tập huấn, trao đổi khi Thẩm phán có vướng mắc. Hàng quý ra kết luận rà soát bản án, quyết định, kết hợp kiểm tra chuyên môn với công vụ; đôn đốc việc công bố bản án, quyết định đầy đủ.

Để nâng cao chất lượng tranh tụng, các Toà án huyện đã bố trí xong phòng xét xử mô hình mới. TAND tỉnh đã lắp đặt xong hai phòng xử hiện đại.

Triển khai lắp đặt hệ thống phiên toà trực tuyến nối với cấp huyện và các điểm cầu Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Viện trưởng và Chánh án hai cấp. Tuy chưa được cấp kinh phí, nhưng TAND Quảng Trị đã tranh thủ ngân sách địa phương 1,7 tỷ đồng để triển khai dự án.

TAND tỉnh đầu tư trên 500 triệu đồng từ nguồn hổ trợ của địa phương và tiết kiệm để cải tạo, lắp đặt phòng xử thân thiện, có mà hình led diện rộng, tường ốp gỗ, ứng dụng công nghệ thông tin, cách ly xét xử để bảo vệ các quyền trẻ em.

TAND tỉnh đã chú trọng xây dựng các thiết chế giáo dục truyền thống, trau dồi kiến thức, tình yêu nghề nghiệp như: Xây dựng phòng tưởng niệm Bác Hồ; phòng truyền thống TAND hai cấp; phòng thư viện; màn hình led để trang trí các sự kiện chính trị quan trọng.

TAND tỉnh đã tổ chức một số phiên toà rút kinh nghiệm qua hệ thống trực tuyến, có sự tham gia của Toà án và VKS hai cấp; ký kết Quy chế phối hợp tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm giữa VKSND và TAND hai cấp.

Để thay thế phiên toà lưu động, TAND tỉnh đã giao Chi đoàn phối hợp với Sở giáo dục đào tạo, Đoàn cơ quan CSĐT và Đoàn VKS tỉnh, tổ chức các phiên tòa giả định tại các trường học; tuyên truyền phòng chống tội phạm và các tệ nạn học đường.

Trong công tác cán bộ, đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản. Chú trọng luân chuyển, điều động để rèn luyện cán bộ. Lắng nghe dư luận, để kịp thời nhắc nhở cán bộ, ngăn chặn tiêu cực. Thường xuyên kiểm tra thực hiện Quy định 120/QĐTA và Bộ Quy tắc đạo đức thẩm phán.

Đề cao trách nhiệm lãnh đạo, phát huy dân chủ trên cơ sở các quy chế hoạt động. TAND tỉnh đã hoàn chỉnh bộ 15 Quy chế hoạt động. Kết hợp kỷ luật nghiêm với khen thưởng, tạo động lực nâng cao chất lượng xét xử.

Thuận lợi của Tòa án trong giai đoạn này là có Nghị quyết 49/NQ-TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020”. Các kết luận, chỉ đạo kịp thời của Ban chỉ đạo CCTP Trung ương và các cấp ủy; sự phối hợp tốt của chính quyền, các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn: Kỹ năng và kinh nghiệm tranh tụng còn hạn chế; số lượng vụ án ngày càng tăng, thẩm quyền giải quyết mở rộng nhưng biên chế giảm; chế độ, chính sách chưa thực sự tương xứng với công việc; cơ chế thu hút người giỏi chưa hiệu quả; một số trụ sở TAND cấp huyện quy mô nhỏ khó triển khai phòng xét xử mới, trực tuyến, thân thiện.

PV: Trong số 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử đó, ông tâm đắc với giải pháp nào nhất, thưa Chánh án?

Chánh án Lê Hồng Quang: 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử là những giải pháp căn bản. Tôi cho rằng “Nâng cao chất lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký tòa án” là giải pháp căn cơ nhất. Bác Hồ kính yêu đã dạy:“ Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc yếu kém”; “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Giải pháp cán bộ vừa mang tính chiến lược vừa cấp bách, đòi hỏi phải triển khai ngay. Một cán bộ Tòa án giỏi luật pháp nhưng không có đức, không có tâm, không vì công lý thì càng giỏi lách luật để mưu lợi riêng. Ngay từ bây giờ, bên cạnh việc tuyển dụng, bổ nhiệm đúng người tốt, cần phải có chiến lược đào tạo, thu hút người tốt, giỏi. Có được người tốt, người giỏi thì chất lượng xét xử tất yếu nâng cao.

PV: Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử, ông đã đưa tinh thần cải cách tư pháp đó vào phiên tòa thế nào, hiệu quả ra sao thưa Chánh án?

Chánh án Lê Hồng Quang: Trong những năm qua, TAND hai cấp tỉnh đã bố trí phòng xử án theo mô hình mới, vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng, người tham gia đã thể hiện sự bình đẳng, công khai, dân chủ; phán quyết của Toà án cơ bản dựa trên kết quả tranh tụng. Luật sư và người bảo vệ quyền lợi của đương sự đã tự tin tranh tụng.

Năm 2019, được sự quan tâm của địa phương, TAND tỉnh Quảng Trị đã lắp đặt thiết bị phiên tòa trực tuyến kết nối đến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính, Hội đồng nhân dân tỉnh, Chánh án và Viện trưởng hai cấp.

Phiên tòa rút kinh nghiệm giúp Thẩm phán, Thư ký nâng cao trách nhiệm, kỹ năng xét xử, rút kinh nghiệm áp dụng pháp luật, điều hành tranh tụng.

PV: TAND tỉnh Quảng Trị đã có những hoạt động thiết thực nào để chào mừng kỷ kiệm 75 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2020) thưa Chánh án?

Chánh án Lê Hồng Quang: Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống TAND, thời gian qua, TAND hai cấp đã tổ chức, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thao; đón đoàn TAND tỉnh Savannakhẹt (Lào) sang thăm và làm việc tại TAND tỉnh; thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, với sự giúp đỡ của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, Báo Công lý và các nhà hảo tâm, phối hợp xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa cho người có công với Tòa án, nhà tình nghĩa cho mẹ Việt Nam Anh hùng trị giá 1,5 tỷ đồng; chăm sóc phần mộ liệt sỹ và trồng cây xanh tại hai nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Đường 9; thực hiện nhiều chuyến đi vùng sâu, vùng xa giúp đỡ đồng bào thiểu số.

Năm 2020, TAND hai cấp tỉnh đặt ra chủ đề: “Công chức, người lao động TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2020, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống TAND”, đồng thời cũng có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch CoVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiệm vụ cấp bách mà lãnh đạo và công chức Tòa án hai cấp tỉnh xác định là tập trung nhiệm vụ kép – vừa chung tay chống dịch; vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chánh án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Quảng Trị: Thực hiện tốt 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử