TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, thông tin Viện Kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ được một số tờ báo đăng tải trong những ngày vừa qua chưa thật sự đầy đủ, gây hiểu lầm trong dư luận.
Theo TAND tỉnh Phú Thọ, cơ quan này đã nhận được Quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Phú Thọ kháng nghị đối với bản án sơ thẩm số 55/2018/HS-ST ngày 30/11/2018 của TAND tỉnh Phú Thọ tuyên án đối với 92 bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến hai cựu tướng Công an.
TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, có 3 vấn đề VKSND kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sau:
Hội đồng xét xử tuyên án với các bị cáo
Thứ nhất, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội có tổ chức” đối với 27 bị cáo phạm tội “Đánh bạc” trong diện từ đại lý cấp 1 trở lên.
Thứ hai, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Tự nguyện khắc phục hậu quả” theo điểm b khoản 1 Điều 151 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả từ ½ số tiền thu lời bất chính trở lên.
Thứ ba, không tịch thu tiền sử dụng vào việc đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội đánh bạc.
VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng tại bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Thọ áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 BLHS sửa đổi năm 2009 “Phạm tội có tổ chức” đối với 27 bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” trong diện tử đại lý cấp 1 trở lên; Phần nội dung không cho 36 bị cáo “Tự nguyện khắc phục hậu quả” được hưởng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS sửa đổi năm 2009; Phần áp dụng tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội đánh bạc.
“Viện Kiểm sát kháng nghị và đề nghị theo hướng không áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội có tổ chức đối với các bị cáo; Đối với việc các bị cáo nộp tiền do phạm tội mà có, tòa áp dụng theo quy định tình tiết giảm nhẹ khác, theo quy định tại khoản 2 điều 46, nhưng quan điểm của Viện Kiểm sát là đề nghị áp dụng tình tiết khắc phục hậu quả do phạm tội mà có; thứ ba là quan điểm của họ là không thu tiền các bị cáo phạm tội đánh bạc mà có. Đây là quan điểm của Viện Kiểm sát và họ kháng nghị theo hướng đó”, đại diện TAND tỉnh Phú Thọ cho biết.
Đại diện VKS tại phiên tòa xét xử
Trước đó, một số cơ quan báo chí thông tin, VKSND tỉnh Phú Thọ kháng nghị tập trung chủ yếu vào nhóm bị cáo là đại lý cấp 1 trong đường dây tổ chức đánh bạc và các bị cáo thuộc nhóm phạm tội đánh bạc. Lý do kháng nghị vì VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng HĐXX đã không xem xét toàn diện các tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo này.
Cũng theo đại diện của TAND tỉnh Phú Thọ, tính đến thời điểm hiện nay, Tòa án vẫn không nhận được đơn kháng cáo cũng như đơn xin thi hành án của các bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương.
Tính đến hết thời hạn kháng cáo, Tòa án đã nhận được 36 bị cáo kháng cáo, nội dung chủ yếu là xin giảm nhẹ hình phạt, các bị cáo thuộc nhóm tội danh tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Trước đó, trong phần tuyên án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh lĩnh án 9 năm tù và bị cáo Nguyễn Thanh Hóa lĩnh mức án 10 năm tù cùng về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC lĩnh án 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và 5 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hình phạt chung cho cả hai tội danh, bị cáo Dương phải chấp hành là 10 năm tù.
Bị cáo Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ VTC Online lĩnh án 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và 3 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hình phạt chung cho hai tội danh bị cáo Nam phải chấp hành là 5 năm tù.
Với các bị cáo còn lại, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ lần lượt tuyên các hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục tội phạm và phòng ngừa chung.
Các bị cáo trong vụ án nghe HĐXX tuyên án
Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị 12 vấn đề với các Bộ, ngành và Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Phú Thọ để tiếp tục xác minh ở giai đoạn hai.
Thứ nhất, HĐXX kiến nghị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ trách nhiệm của các Ngân hàng, các nhân viên Ngân hàng có liên quan trong việc thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản cá nhân với số lượng rất lớn, để các đối tượng trong vụ án lợi dụng thanh toán doanh thu tổ chức đánh bạc. Từ đó, tìm ra kẽ hở trong công tác phòng chống rửa tiền để kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, kiến nghị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án đối với Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông, Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Sài Gòn Anpha có liên quan đến hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, nếu có hành vi vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, kiến nghị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm trong việc cho thuê chỗ đặt máy chủ để vận hành game bài Rikvip/Tip.Club của Công ty Viettel CHT, Tổng công ty dịch vụ viễn thông VNPT, nếu có vi phạm thì đề nghị xử lý nghiêm minh.
Thứ tư, kiến nghị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiếp điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ trách nhiệm của cá nhân thuộc các đơn vị ở Bộ Thông tin và Truyền thông; các cơ quan liên quan có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, internet, nhưng không kiểm tra, phát hiện kịp thời; khi phát hiện thì không kiên quyết xử lý để các đối tượng lợi dụng tổ chức đánh bạc trực tuyến trong thời gian dài từ năm 2015 đến năm 2017 gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Thứ năm, kiến nghị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn hai của vụ án tỷ lệ phân phối lợi nhuận kinh doanh “Công ty CNC được hưởng 80%, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được hưởng 20%" theo Bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh được ký kết giữa bị cáo Hóa và bị cáo Dương ngày 10/10/2011.
Thứ sáu, kiến nghị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ lời khai của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương về việc đưa tiền, của cải vật chất cho các cán bộ từng công tác trong Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an; Tổng cục An ninh, Bộ Công an; Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội, nếu có đủ dấu hiệu của tội nhận hối lộ thì cần xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ bảy, kiến nghị Bộ Công an có cơ chế chặt chẽ trong việc lựa chọn, thành lập và kiểm soát hoạt động của các công ty nghiệp vụ, tránh lợi dụng ưu thế là công ty nghiệp vụ của ngành công an để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ tám, kiến nghị Bộ Công an trong việc sắp xếp cơ cấu tổ chức, bố trí hợp lý các cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác để phát huy có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tránh trường hợp như Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhưng không có trình độ về công nghệ thông tin.
Thứ chín, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, Ngành liên quan tăng cường quản lý hoạt động phát hành thẻ cào viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông, nhất là việc sử dụng các thẻ cào này vào làm phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông.
Thứ mười, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, Ngành liên hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan và tăng cường trách nhiệm quản lý đối với việc phát hành, sử dụng của các loại thẻ có mệnh giá, như: thẻ game, thẻ đa năng… đảm bảo phạm vi và mục đích sử dụng.
Mười một, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hoàn thiện quy định của pháp luật và phối hợp quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán, trong đó phải đề xuất quy định chặt chẽ đối với hoạt động thanh toán “gạch thẻ”.
Cuối cùng, kiến nghị Bộ thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý hoạt động cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1; hoạt động quảng cáo trên mạng viễn thông.