Ngày 24/7, TAND tỉnh An Giang phối hợp với Sở Tư pháp và Công an tỉnh tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác trưng cầu giám định tư pháp giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang.
Đại diện các cơ quan ký kết Quy chế phối hợp
Tham dự buổi Lễ có các ông: La Hồng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh An Giang; Đại tá Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh; Trần Văn Thìn, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh; Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp; cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan trong công tác giám định tư pháp.
Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang đã thông qua Quy chế phối hợp trong công tác trưng cầu giám định tư pháp giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang (gọi tắt là Quy chế). Quy chế có 03 chương, gồm: những quy định chung; các nội dung phối hợp trong công tác trưng cầu giám định tư pháp và tổ chức thực hiện, với 20 Điều quy định về nguyên tắc phối hợp, nguyên tắc trưng cầu giám định, đánh giá và sử dụng kết luận giám định, trách nhiệm của Sở Tư pháp, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, trách nhiệm của các cơ quan liên quan...
Theo đó, việc trưng cầu giám định trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn. Tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định có trách nhiệm tiến hành giám định đảm bảo đúng thời hạn và kết luận cụ thể về nội dung được trưng cầu giám định, chịu trách nhiệm về những nội dung đã kết luận. Tổ chức cá nhân được trưng cầu giám định phải giữ bí mật, không được tiết lộ nội dung thông tin, tài liệu, kết luận giám định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền. Không được lạm dụng việc trưng cầu, thực hiện, đánh giá, sử dụng kết luận giám định để gây cản trở quá trình giải quyết vụ án, vụ việc làm ảnh hưởng đến tính chính xác, khách quan của việc giải quyết vụ án, vụ việc…
Việc ký kết Quy chế giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh An Giang sẽ góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp, tăng cường cơ chế thông tin, phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan tiến hành tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý Nhà nước và các sở, ngành liên quan.
Chánh án TAND tỉnh An Giang La Hồng phat biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, cho rằng: Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh được chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, Chánh án TAND tỉnh An Giang La Hồng đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh, cũng như các sở, ngành có liên quan cần tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp như Quy chế đã quy định, nhất là trong công tác bồi dưỡng kiến thức pháp lý, chuyên môn, nghiệp vụ không chỉ cho đội ngũ cán bộ làm công tác trưng cầu giám định tư pháp giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác như giám định xây dựng, tài chính, ngân hàng…để góp phần bảo đảm việc giám định được tiến hành một cách khách quan, khoa học, làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng với quy định của pháp luật.