Đa phần các bị cáo do thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến liều lĩnh, bất chấp để phạm tội. Nắm bắt được điều đó, TAND huyện Tương Dương (Nghệ An) đã tập trung chú trọng công tác xét xử lưu động nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.
Phạm tội gia tăng do sự thiếu hiểu biết về pháp luật
Tương Dương là huyện miền núi nghèo ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có đường biên giới dài tiếp giáp với nước bạn Lào, diện tích tự nhiên gần 281.129 ha, được chia thành 17 đơn vị hành chính (1 thị trấn, 16 xã,) có 146 thôn bản trong đó có 102 thôn bản đặc biệt khó khăn; gồm 6 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Tày Poọng, Ơ Đu, Khơ Mú, Mông.
Địa hình chủ yếu là đồi núi cao hiểm trở, giao thông đi lại gặp nhiều trở ngại, dân trí còn thấp, am hiểu về pháp luật còn hạn chế nên người dân nơi đây thường bị kẻ xấu lợi dụng.
Tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma túy xảy ra trên khắp địa bàn, hoạt động tinh vi, liều lĩnh.
Với đặc thù vùng miền, dân trí như trên, TAND huyện Tương Dương những năm qua đã từng bước nâng cao ý thức người dân qua công tác xét xử và đặc biệt là qua các phiên tòa xét xử lưu động.
Trao đổi với PV, ông Moong Công Hải – Chánh án TAND huyện Tương Dương cho biết, đặc thù của huyện Tương Dương là vùng núi cao, địa hình giao thông đi lại khó khăn; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, dân cư phân bố không đều với nhiều thành phần dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Huyện Tương Dương cũng là một trong những địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì thế nên tội phạm và các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình diễn biến hết sức phức tạp.
Bên cạnh đó ở một số nơi, chính quyền địa phương còn thiếu sự quan tâm, chưa phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền ý thức pháp luật đến quần chúng nhân dân.
“Sự am hiểu về pháp luật của người dân nơi đây vẫn là vấn đề trở ngại lớn nhất, đa phần các bị cáo do thiếu hiểu biết pháp luật nên sinh ra liều lĩnh rồi bất chấp để phạm tội. Nắm bắt được điều đó nên đơn vị tập trung chú trọng, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân", Chánh án Moong Công Hải cho biết.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân qua những phiên tòa lưu động
Cũng theo Chánh án Moong Công Hải, việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động nói chung, đặc biệt là các vụ án hình sự sẽ có những giá trị, hiệu quả và tác động về mặt pháp lý nhất định đối với xã hội, đặc biệt là người dân tại nơi bị cáo sinh sống.
Qua các phiên xử lưu động sẽ tuyên truyền một cách trực quan, sinh động, mang lại nhiều hiệu quả trong việc phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Từ đó bản thân họ sẽ nhận thức được cái đúng – sai, xấu – tốt một cách nhanh nhất.
Việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án đã phục vụ đắc lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” cho cán bộ và quần chúng nhân dân theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tại mỗi phiên tòa xét xử lưu động, có đông đảo người dân được nghe thông tin về các vụ án đang được xét xử và theo dõi trực tiếp toàn bộ diễn biến của phiên tòa.
Qua việc nghe thông tin về xét xử, các văn bản pháp luật liên quan và quyết định của HĐXX, người dân có thể tự nâng cao nhận thức của mình về pháp luật và có những biện pháp đấu tranh với các hành vi sai phạm trong cộng đồng.
Trong quá trình xét xử, thông qua từng vụ án cụ thể, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như nhân dân tiếp cận với chính sách pháp luật, nhằm nâng cao trình độ nhận thức về chính sách pháp luật trong quần chúng nhân dân, để củng cố niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đối với những phiên tòa xét xử lưu động tại các địa phương, nơi xảy ra vụ án, nơi thường trú của các bị cáo, thường thu hút rất đông cán bộ và các tầng lớp nhân dân đến theo dõi trực tiếp phiên tòa.
Bằng thái độ và trách nhiệm làm việc khách quan, công minh trong quá trình xét hỏi hay trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong tranh tụng, mục đích cuối cùng của phiên tòa là tìm ra sự thật của vụ án cũng như đảm bảo đầy đủ, đúng các nguyên tắc của quá trình xét xử.
Từ đó, làm cho người tham gia tố tụng và đông đảo quần chúng tham dự phiên tòa có thái độ đúng đắn với những hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục cho họ ý thức tuân thủ các quy định pháp luật mà Nhà nước đã đề ra, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo các chương, điều luật định.
Cuối cùng phán quyết của HĐXX thống nhất và ra được quyết định cho bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được người đến dự phiên tòa và các cơ quan công luận đồng tình ủng hộ.
“Để tổ chức các phiên tòa lưu động nhằm mục đích phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng nhân dân một cách hiệu quả, đơn vị phải xây dựng kế hoạch từ khâu lựa chọn vụ án, địa điểm mở phiên tòa, lựa chọn Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa… bố trí lực lượng bảo vệ trước, trong và sau phiên tòa xét xử lưu động.
Tại mỗi phiên tòa xét xử lưu động, HĐXX phải căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án mà lồng ghép các văn bản pháp luật cần được phổ biến, tuyên truyền. Bên cạnh đó, còn phải phát huy vai trò của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử lưu động, tuyên truyền pháp luật, bởi lẽ Hội thẩm nhân dân là người đại diện cho nhân dân tham gia trực tiếp vào việc thực hiện quyền lực của Nhà nước", Chánh án Moong Công Hải cho biết.
Một lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết, thực tế cho thấy, phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở Tòa án thường vắng người, ngoài những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chỉ có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo.
Ngược lại, hầu hết những phiên tòa xử lưu động thì nhiều người không thể chen nổi vào hội trường xét xử, nhiều nơi phải xử ở ngoài trời để mọi người đều được theo dõi phiên tòa. Do đó, các phiên tòa xét xử lưu động mang lại hiệu quả rất cao về việc phổ biến, giáo dục pháp luật.
“Để đảm bảo các điều kiện cho Tòa án tổ chức xét xử lưu động, huyện cũng có các văn bản chỉ đạo xuống các xã để phối hợp chuẩn bị chu đáo về hội trường xét xử, công tác an ninh. Đặc biệt yêu cầu các xã khi có phiên tòa xét xử lưu động phải thông báo đến các bản làng, thôn xóm, người dân trong xã nắm được thời gian, địa điểm để đến theo dõi vụ việc. Qua đó, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục mọi người dân luôn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật”, lãnh đạo huyện Tương Dương cho hay.