TAND đã triển khai hiệu quả 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử

Mai Thoa| 30/10/2018 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

100% ý kiến chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã được Chánh án TANDTC trả lời; TAND đã triển khai hiệu quả 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử…

Là nội dung đáng chú ý mà Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại phiên chất vấn diễn ra ngày 30 và 31/10.

14/14 các ý kiến chất vấn được Chánh án trả lời

Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Chánh án TANDTC nhận được 14 phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Sau khi nhận được các phiếu chất vấn, Chánh án TANDTC đã khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời 14/14 ý kiến chất vấn theo đúng quy định.

Tại phiên chất vấn ngày 18/11/2017, có 30 ý kiến chất vấn đối với Chánh án TANDTC và 10 ý kiến phát biểu tranh luận. Chánh án TANDTC đã lần lượt trả lời trực tiếp tại hội trường đối với các chất vấn mà ĐBQH đặt ra. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên có 11 ý kiến chất vấn vẫn chưa được trả lời tại hội trường nên Chánh án đã trả lời bằng văn bản và gửi tới từng ĐBQH. Chánh án TANDTC cũng nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chất vấn để nghiên cứu, đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác, từng bước nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động của Tòa án các cấp, mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp (Nghị quyết 55) và đã đặt ra các yêu cầu về công tác Tòa án với các vấn đề. Đó là: tranh tụng trong xét xử; triển khai hiệu quả việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử; Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án; Khắc phục tình trạng để các vụ án quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật; Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TAND các cấp; Củng cố và hiện đại hóa cơ sở vật chất cho các Tòa án; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế phục vụ cho hoạt động xét xử của Tòa án.

Thực hiện triệt để việc cải cách tư pháp

Để triển khai thực hiện những yêu cầu mà Nghị quyết số 55 của Quốc hội đề ra, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC đã cụ thể hóa các nội dung này thành các yêu cầu, nhiệm vụ trong Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Chỉ thị của Chánh án TANDTC về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2018 của các Tòa án với các chỉ tiêu và giải pháp rất cụ thể, đồng thời tổ chức quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống và đã đạt kết quả khả quan.

TAND đã triển khai hiệu quả 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Quốc hội

Theo đó, công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật là một nhiệm vụ mà lãnh đạo TANDTC rất quan tâm. Hàng tháng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đều dành một thời gian nhất định để tập trung cho việc xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Đến nay, đã ban hành 15 nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. TANDTC đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng 17 thông tư liên tịch; Chánh án TANDTC đã ban hành 05 thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, những vướng mắc trong thực tiễn xét xử đã được tháo gỡ kịp thời nhờ việc Hội đồng Thẩm phán đã tổng hợp và ban hành các “Tập giải đáp vướng mắc nghiệp vụ” để các Tòa án tham khảo.

 Việc lựa chọn và công bố án lệ cũng được TANDTC hết sức chú trọng. Không chỉ dừng lại việc phát triển án lệ từ các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo TANDTC còn khuyến khích phát hiện các bản án của các Tòa án mang tính chuẩn mực trong áp dụng pháp luật để giải quyết các tình huống thực tế phức tạp, hiện còn có những vướng mắc hoặc cách hiểu khác nhau để đề xuất phát triển làm án lệ. Tính đến 30/9/2018, đã có trên 200 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn án lệ trong quá trình giải quyết vụ án.

Để thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, TANDTC đã hướng dẫn các tiêu chí đặt ra đối với phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp nên thời gian qua, các phiên tòa đã được tổ chức tốt hơn. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng; các Tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình; trên cơ sở kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ.

Đặc biệt, việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử đã được TANDTC triển khai khá hiệu quả và được nhân dân đánh giá cao. Tính đến nay, đã có 146.336 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của gần 90% các Thẩm phán TAND các cấp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TAND và tất cả các Tòa án trong toàn quốc đều đã có bản án được công bố. Tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là 6.764.910 lượt và đã có hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định của Tòa án. Đây là bước đột phá trong hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TANDTC nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Thẩm phán, tăng tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án.

Xác định việc nâng cao chất lượng xét xử là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các Tòa án, tháng 9/2017, TANDTC đã tổ chức Hội nghị Chánh án Tòa án 4 cấp để bàn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử. Tại hội nghị này đã đề ra 14 giải pháp mà các Tòa án cần tập trung thực hiện nhằm bảo đảm các phán quyết của Tòa án phải chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đảm bảo quyền con người, quyền công dân; không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm cũng như gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Triển khai hiệu quả 14 giải pháp

Triển khai 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, công tác xét xử  đã có những chuyển biến đáng kể. Việc xét xử các vụ án hình sự, về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả; công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật tố tụng. Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh... Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, đồng thời cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước.

Để thực hiện kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp, tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, TANDTC đã tổ chức thí điểm thi lãnh đạo cấp Vụ tại TANDTC đối với 04 vị trí; tổ chức 03 kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp đối với 594 người theo đúng quy định của pháp luật. Việc tổ chức thi tuyển được thực hiện nghiêm túc, công khai, theo hướng mở rộng nguồn, nhằm lựa chọn những người có trình độ, năng lực tốt nhất để bổ nhiệm, từ đó tạo động lực và mở ra phong trào thi đua học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong nhiều kỳ họp, các đại biểu cũng đã đề cập về tình trạng khó khăn của Tòa án trong thực hiện nhiệm vụ mà phải đi thuê trụ sở. Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này, TANDTC đang tập trung số vốn trung hạn được cấp để đầu tư xây dựng trụ sở cho 35 đơn vị Tòa án cấp huyện đang phải đi thuê và 34 trụ sở được đầu tư xây dựng, cải tạo hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2020; trang bị các phương tiện cần thiết cho các Tòa án hoạt động để phấn đấu đến năm 2020 triển khai Đề án Tòa án điện tử. Đặc biệt, đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ như: ban hành nghị quyết hướng dẫn việc gửi, nhận đơn khởi kiện và các tài liệu bằng hình thức trực tuyến qua internet; thực hiện việc công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC; triển khai xây dựng phần mềm số hóa các tài liệu kèm theo Tờ trình của các vụ án trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, việc triển khai thực hiện các yêu cầu mà Nghị quyết số 55 của Quốc hội đề ra cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là: một số vụ án xét xử ở cấp sơ thẩm cũng còn có sai sót; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra; việc tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc cho các Tòa án tiến hành còn chậm. Nguyên nhân là do số lượng các loại vụ việc mà các Toà án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng, với tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi đó, những điều kiện đảm bảo cho hoạt động như đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, kinh phí chưa được bổ sung kịp thời. Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong việc tham gia tố tụng (đối với các vụ án hành chính); cung cấp tài liệu, chứng cứ; tham gia giám định, định giá tài sản; thực hiện uỷ thác tư pháp…

Chánh án TANDTC cũng khẳng định, đây là những vấn đề TANDTC sẽ tiếp tục chỉ đạo các Tòa án thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là 14 giải pháp về nâng cao chất lượng công tác xét xử đã được lãnh đạo TAND đề ra để khắc phục trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác của Tòa án, đáp ứng yêu cầu mà các nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND đã triển khai hiệu quả 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử