Cuộc bầu cử trước thời hạn đã tạo một cơ hội thuận lợi cho Bình Nhưỡng tác động vào tâm lý cử tri Hàn Quốc, chấm dứt 9 năm trị vì của hai tổng thống theo đường lối cứng rắn, bị coi là bảo thủ, trong quan hệ với Triều Tiên.
Cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn tại Hàn Quốc đã đưa ông Moon Jae-in, một nhân vật theo quan điểm tự do lên làm tổng thống thứ 12 của nước này.
Ông Moon Jae-in đã chính thức xử lý công việc của tổng thống ngay sau khi kết quả bầu cử được tuyên bố. Công việc đầu tiên là tiếp nhận nhiệm vụ lãnh đạo lực lượng vũ trang của Hàn Quốc. Cuộc khủng hoảng chính trị do việc bà Park Geun-hye bị bãi nhiệm và khủng hoảng bên miệng hố chiến tranh hạt nhân không cho phép tổng thống đắc cử có nhiều thời gian uống rượu mừng chiến thắng.
Được biết, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có những bước đi đầu tiên trong việc thành lập chính phủ mới, với việc bổ nhiệm thủ tướng, chánh văn phòng phủ tổng thống, giám đốc cơ quan tình báo và cơ quan an ninh quốc gia.
Tân Tổng thống Hàn Quốc "đối đầu" với Trump vì Triều Tiên
Trong cuộc họp báo đầu tiên tại Phủ Tổng thống ngày 10/5, sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in thông báo chỉ định Tỉnh trưởng tỉnh Nam Jeolla, Lee Nak-yon, làm tân Thủ tướng Hàn Quốc. Ông Im Jong-seok, trưởng nhóm thư ký cho chiến dịch vận động tranh cử của ông, làm Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống.
Nhưng trong tình cảnh bị mắc kẹt giữa Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên, Tổng thống đắc cử Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với rất nhiều bài toán khó.
Trước mắt, ông Moon cho biết, sẽ cố gắng theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập. Sau đó, chính quyền Moon Jae-in cần sử dụng “tuần trăng mật” để giải tỏa “cấm vận” thương mại Trung Quốc tạo ra đối với nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sau khi Seoul để Mỹ triển khai THAAD.
Và ông Moon Jae-in được cho là sẽ sử dụng trở lại “ Chính sách Ánh Dương” – là một chính sách ngoại giao mà Hàn Quốc áp dụng với Triều Tiên từ năm 1998 cho đến cuộc bầu cử tổng thống Lee Myung-bak năm 2008.
Cách đây 1 thập kỷ, ông Moon – lúc đó còn là một quan chức cấp cao của Hàn Quốc đã ủng hộ "Chính sách Ánh Dương", trong đó phát triển các kênh đối thoại với Triều Tiên, đồng thời vẫn gây áp lực và duy trì các biện pháp trừng phạt của Seoul đối với Bình Nhưỡng.
Và trong thời gian vận động tranh cử, ông Moon Jae-in đã vượt lên trên hàng chục đối thủ nhờ đề xuất chủ trương hòa hoãn với bình nhưỡng trên cơ sở củng cố sức mạnh quân sự của Hàn Quốc. Đây thực chất là chính sách “Ánh dương phiên bản 2”.
Chính sách Ánh dương chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, viện trợ nhân đạo, ảo tưởng dùng lợi ích kinh tế để ràng buộc Bình Nhưỡng và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là một cuộc thử nghiệm không thành công và bị Bình Nhưỡng lợi dụng để giải quyết khó khăn kinh tế trong nước, nới lỏng cấm vận quốc tế, trong khi tiếp tục tăng cường năng lực vũ khí chiến lược.
Chính điều này khiến Bình Nhưỡng luôn tán thành các quan điểm Ánh Dương của Moon Jae-in. Với thắng cử của ông Moon, Bình Nhưỡng chờ đợi một thời kỳ hòa hoãn mới, mà tổng thống mới của Hàn Quốc có thể dẫn dắt cuộc chơi đầy ảo tưởng “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên. Đây là một thách thức lâu dài đối với Tổng thống Moon Jae-in.
Nhưng, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhận ra "Chính sách Ánh Dương 2.0" mà ông Moon có thể thực hiện sẽ mâu thuẫn trực tiếp với đường lối giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên của mình.
Chiến lược của ông Trump là gây áp lực tối đa lên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, triển khai các biện pháp phòng thủ tên lửa mới và điều chiến hạm tới ngoài khơi bờ biển Triều Tiên…
Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson đã trình bày chiến lược này với các quan chức bộ ngoại giao hồi tuần trước. Theo ông Tillerson, bước tiếp theo là gây sức ép lên cộng đồng quốc tế để họ thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) về lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, chính sách của ông Moon hoàn toàn trái ngược đó là mở rộng vòng tay đón người Triều Tiên nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai bên và tiến tới hội nhập kinh tế. Ông Moon tin, "Chính sách Ánh Dương" là cách duy nhất để tránh xảy ra một cuộc xung đột mới giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Moon phải có quan hệ tốt với Mỹ - là nước bảo trợ an ninh quan trọng nhất của Hàn Quốc. Ông Moon từng phàn nàn “Thật nguy hiểm khi số phận của chúng ta nằm trong tay quyết định của người khác”. Ông Moon từng bày tỏ ý định tăng cường hơn tính độc lập về quốc phòng và cam kết đẩy mạnh hoạt động do thám và năng lực chống tên lửa. Ông cũng từng cho biết sẽ xem xét lại thỏa thuận THAAD, hiện đã trở thành “sự đã rồi”.
Ông Moon cũng cho biết, Hàn Quốc không thể phủ quyết Mỹ. Nhưng Mỹ cũng không thể không tính đến ý chí của người Hàn Quốc, mặc dù cách thức hành động của Mỹ từng làm khó giới cầm quyềnHàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Dù sao, mối liên minh thực sự với Mỹ sẽ được xem xét lại.