Tầm vóc doanh nhân Việt: Khẳng định vị thế, khát vọng vươn xa

Trang Nhi| 13/10/2022 10:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 36 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Nhờ đội ngũ ấy, hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong Top 40 thế giới về GDP, Top 20 về quy mô thương mại quốc tế.

Hiện Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến gần 7 triệu người, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.

Nhiều doanh nhân đã làm rạng rỡ trí tuệ, nghĩa khí, tài năng Việt Nam khi tên tuổi đã vượt ra ngoài đất nước, xếp hạng cùng những doanh nhân lớn trên thế giới. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng về số lượng. Đội ngũ này đã đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo ra việc làm cho 14,7 triệu lao động, chiếm gần 28% lực lượng lao động của toàn xã hội.

dnvn-3.jpg
Các doanh nhân tại lễ tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

Những đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng to lớn. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, có đóng góp rất quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân.

Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh để hình thành những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh với những dự án đầy tham vọng, mang tầm vóc quốc tế, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô-tô, hàng không, công nghệ thông tin,... Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân còn tạo công ăn việc làm, cũng như an sinh xã hội, phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Chính các doanh nghiệp dưới sự chèo lái của doanh nhân đã đưa nền kinh tế Việt Nam lọt vào Top 40 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đương đầu và vượt qua thử thách của cộng đồng doanh nhân, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và tiềm lực mang tầm vóc khu vực. Đó là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam…, bên cạnh những cái tên nổi bật của khu vực tư nhân như: SunGroup, VinGroup, Vinamilk, FPT… Trong giai đoạn khó khăn của dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, thể hiện rõ trách nhiệm với xã hội.

Có được kết quả trên dựa vào 2 trụ đỡ lớn nhất gồm sự tiến bộ tự thân của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân và sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước, xã hội…

doanh-nhan.jpg
Ảnh minh họa.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng, mang theo dấu ấn, bản lĩnh của người Việt. Để đáp ứng với tình hình mới, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang tiếp tục chuyển mình, hướng tới những giá trị đích thực, bồi đắp tư duy, kiến thức và xây dựng phong cách kinh doanh văn minh, ứng xử nhân văn, trách nhiệm với cộng đồng.

Trong giai đoạn hiện nay, 6 tiêu chuẩn cốt lõi về đạo đức, trí tuệ và yêu cầu đối với doanh nhân Việt Nam tiêu biểu là: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Đại hội XIII của Đảng đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đại hội XIII cũng đã đề ra nhiệm vụ: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…" và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Do đó, Chính phủ sẽ tiếp sức cùng với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp; thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng của doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầm vóc doanh nhân Việt: Khẳng định vị thế, khát vọng vươn xa