Khi thành phố còn mơ màng trong giấc ngủ, đèn đường nhạt nhòa mờ soi xe cộ thưa thớt ngược xuôi, lúc ấy lại có những người lặng lẽ rời khỏi thành phố đi về một vùng quê xa xôi hẻo lánh.
Họ là những người trong Đoàn công tác xã hội từ thiện mà Báo Công lý là một thành viên, đến với những người nông dân tay lấm chân bùn, tháng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn, cái nghèo, cái khó quanh năm vẫn đeo bám họ…
Cuộc sống kham khổ thiếu trước hụt sau, nhiều nông dân có những ước mơ cháy bỏng. Mà họ mơ có gì là cao sang đâu, chỉ là có được chiếc tivi để xem truyền hình mỗi đêm; mơ một căn nhà lành lặn che mưa che gió, để giấc ngủ được ngon lành khỏi phải thức giấc khi mưa gió kéo về giữa đêm; mơ có tiền đưa người thân đi khám chữa bệnh, có được những bữa cơm no lòng.
Biết được tâm tư nguyện vọng của bà con như vậy, Đoàn công tác xã hội từ thiện do Báo Công lý phối hợp với Báo Sài Gòn giải phóng (SGGP) cùng các nhà “Mạnh Thường Quân” tổ chức, đã rời khỏi thành phố lúc trời chưa sáng, đến các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, An Minh và Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang để giúp bà con. Theo dự kiến, Đoàn sẽ làm lễ trao 3 căn nhà tình thương trị giá 20 triệu đồng mỗi căn và tặng 3 ti vi cho 3 hộ nhận nhà.
Đoàn còn hỗ trợ vốn hoạt động ban đầu là 240 triệu cho 4 bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Gò Quao, An Minh, Giồng Riềng và Vĩnh Thuận.
Đây là tâm nguyện của nhà tài trợ Khổng Văn Dũng nhằm tạo cho các bếp ăn hoạt động lâu bền, giúp những bệnh nhân nghèo có được bữa ăn no lòng.
Anh Dũng đã lập bảng kế hoạch gợi ý cho các bệnh viện thực hiện làm sao có hiệu quả, có khả năng hoạt động liên tục phục vụ bệnh nhân nghèo. Bệnh viện nào lập phương án hoạt động hoàn chỉnh trước thì sẽ trao tiền cho bệnh viện đó trước.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Hen, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Quao cảm kích: “Nghĩa cử của Báo Công lý, Báo SGGP cùng các vị Mạnh Thường Quân, với tấm lòng giúp người dân nghèo có được bữa cơm khi đi khám chữa bệnh, có nhà đàng hoàng để ở, có tivi xem hằng đêm… là một việc làm có ý nghĩa hết sức to lớn. Qua việc làm đầy tính nhân văn này, chúng tôi càng hiểu thêm tấm lòng người làm báo.
Ngoài việc mang thông tin đến cho mọi người, nhà báo còn mang cả tấm lòng nhân ái đến với dân nghèo. Cho tôi cảm ơn các nhà báo nói chung, Báo Công lý và Báo SGGP nói riêng, với sự chân tình thân thương nhất”.
Nắng đã lên cao, nhưng bà con ở xã Hòa Hưng. huyện Giồng Riềng vẫn còn tụ tập khá đông trước sân nhà của bà Chín Gương, mọi người chờ đón đoàn nhà báo về đây tặng bà Chín chiếc ti vi.
Bà Chín sống cô đơn, không chồng con. Nay tuổi già sức yếu, vậy mà vẫn còn phải làm thuê làm mướn sống qua ngày. Bà vừa được các nhà hảo tâm tặng căn nhà tình thương, nay tiếp tục tặng bà chiếc ti vi.
Trước sân nhà bà Chín mọi người đang… nín thở hướng về bờ sông, nơi chiếc xuồng ba lá bé xíu chở từng chuyến qua sông.
Chiếc xuồng quá nhỏ, chỉ hai người xuống là nước mấp mé be xuồng, chỉ cần động đậy một chút làm xuồng lắc lư là kể như chìm ngay. Gặp lúc nước ròng chảy xiết, mà người bơi xuồng không có mái dầm để bơi, chỉ có khúc tre ngắn ngủn, chiếc xuồng như tự do trôi theo dòng nước.
Bà con đứng trên bờ nhìn xuống, ai cũng hít hà lo lắng. Không biết mấy ông nhà báo này có biết lội hay không, lỡ xuồng chìm thì sao đây.
Nỗi lo của bà con rồi cũng qua, khi xuồng cặp bến ai nấy đều thở phào đỡ các nhà báo lên bờ, và khiêng chiếc ti vi vào nhà cho bà Chín. Nhìn chiếc ti vi trong thùng vừa mang ra, bà Chín hai tay rờ rẫm chiếc ti vi như một của quý giá, chợt bà bật khóc nức nở: “Suốt cuộc đời ao ước có được chiếc ti vi, để những đêm ngồi coi cho vui vẻ, nay đã 86 tuổi rồi mới có được. Cho tôi cảm ơn các nhà báo và các nhà hảo tâm”.
Sáng hôm sau, Đoàn tiếp tục đến xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận làm lễ bàn giao nhà cho ông Phan Văn Xem. Hoàn cảnh ông Xem rất đáng thương, do quá nghèo không có tiền chữa trị bệnh mắt, ông đành chịu cảnh mù lòa.
Mọi thứ đều trông cậy người con trai, quanh năm làm thuê vác mướn, làm sao đủ sống. Hai tháng trước, căn nhà của ông vốn đã mục nát, bị gió giông làm sập trong một đêm mua dầm. Không có tiền cất lại căn nhà, ông che chòi sống tạm bên bờ ao.
Qua vận động của Báo Công lý, Báo SGGP, ông Phan Văn Xem được bà Phạm Mi Ca ở Tp. Hồ Chí Minh tặng 15 triệu đồng, bạn đọc Báo SGGP và Báo Công lý hỗ trợ 9,5 triệu đồng.
Tại buổi lễ bàn giao nhà, ông Xem ngồi im không biết nói lời nào, ông cho rằng niềm vui hôm nay quá lớn, suốt cuộc đời ông mới tận hưởng một niềm hạnh phúc lớn lao như vậy.
Anh Lê Ngọc Sơn, đại diện nhà tài trợ chia sẻ: “Qua Báo SGGP và Báo Công lý cũng như sự vận động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Kiên Giang, gia đình tôi có đóng góp một phần nhỏ, mong giúp cho gia đình bác Xem có được căn nhà mới để ở.
Có nhà rồi, mong sao gia đình bác Xem yên tâm làm ăn sinh sống, thoát khỏi cảnh cơ hàn. Dịp này, được biết các cháu của bác Xem rất mong có được chiếc ti vi, nay tôi cũng tặng cho các cháu một chiếc. Chúc các cháu cố gắng học để là trò giỏi con ngoan”.
Chúng tôi ra về khi trời mưa lất phất, con rạch Đòn Dông lặng lờ trôi về sông Cái Lớn, nhưng trong lòng chúng tôi thì rộn rã niềm vui.
Nguyễn Tường Lộc