Tấm lòng của một thương binh nghèo

Nam Hoàng| 18/07/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong căn nhà cấp bốn xiêu vẹo, thông thống bốn bề là gió nằm dưới chân đồi Tiên Lăng (Cẩm Vân, Cẩm Thủy, Thanh Hóa), cựu binh Nguyễn Hồng Hà kể cho tôi nghe về những tháng năm binh lửa của ông, về Đại đội đặc công C23 đầy gan dạ.

40 năm sau chiến tranh, cả Đại đội đặc công oai hùng đó có nguy cơ chìm vào quên lãng, hài cốt hàng trăm chiến sỹ sẽ vĩnh viễn nằm lại bên nước bạn Lào, nếu không có người Trung đội trưởng ngày đêm trăn trở tìm cách đưa họ trở về…

Những ký ức thời binh lửa

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo nằm ven bờ sông Mã, ông Nguyễn Hồng Hà sớm phải chứng kiến cảnh đau thương mất mát do chiến tranh gây nên ngay trên mảnh đất quê hương mình. Tháng 3/1965, ông lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi. Bởi tình hình chiến sự khi đó vô cùng ác liệt, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc và tập trung quân đội viễn chinh trên chiến trường Lào để thực hiện kế hoạch “Chiến tranh cục bộ” nên sau ít ngày huấn luyện cấp tốc, ông được bổ sung vào đơn vị đặc công C23, Bộ Tư lệnh 959, chiến đấu trên chiến trường Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn, Lào).

Nhiệm vụ chính của C23 lúc bấy giờ được Bộ Chính trị giao là phải giữ vững những cứ điểm quan trọng, đi đầu trong các trận đánh vào cơ quan đầu não, tiêu hủy vũ khí và sinh lực của địch. Hầu hết chiến sỹ trong đại đội đều tinh nhuệ, quả cảm, thiện chiến, phù hợp cho lối đánh “mật tập”, lấy ít địch nhiều. Từ giữa năm 1965, ông Hà có vinh dự được cấp trên tin tưởng giao chức vụ Trung đội trưởng đặc công, trực tiếp chỉ huy mũi xung kích mở màn các chiến dịch lớn.

Chỉ sau vài tháng, đơn vị C23 (trong đó Trung đội do ông Hà chỉ huy làm mũi nhọn) đã liên tiếp mở cuộc công kích vào các cứ điểm Mường Hàm, Mường Sàm, Na Mường, sân bay Hồng Nuôn… gây bao nỗi kinh hoàng cho lính Ma - Ky (lính đánh thuê Thái Lan), phỉ Vàng Pao. Chỉ cần nghe danh Đại đội C23 với những trinh sát mình trần đen trũi, thoắt ẩn, thoắt hiện giữa trùng vây đồn bốt, bất ngờ quét AK, ném lựu đạn, chập chờn như những bóng ma cũng đã khiến quân địch “hồn siêu phách lạc”.

Tấm lòng của một thương binh nghèo

Cựu binh Nguyễn Hồng Hà

Sau những thành công vang dội đó, Đại đội C23 tiếp tục nhận được sự tin tưởng của Bộ Chính trị giao đánh chiếm Pha Thí, cứ điểm quan trọng án ngữ trên tuyến đường 217 và đường số 6, được coi như “pháo đài bất khả xâm phạm” của địch. Cụm cứ điểm này được xây dựng trên một quả đồi cao, có chiều dài khoảng 6km, rộng 1km. Tại đây, quân địch thiết lập “vành đai thép”, trang bị hệ thống ra - đa phòng thủ hiện đại, có cả sân bay và nhiều vũ khí tối tân. Đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp truyền chỉ thị: “Phải giành bằng được Pha Thí, bởi nếu nắm được cứ điểm này, đồng nghĩa với việc khống chế Thượng Lào, chặn đứng âm mưu tấn công bằng không lực từ phía Thái Lan…”.

Nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề, tương quan lực lượng giữa hai bên quá chênh lệch. Bởi, quân địch cũng hết sức coi trọng Pha Thí nên chúng tập trung số lượng rất lớn, trang thiết bị vũ khí hiện đại, trong khi đó, cả Đại đội C23 chỉ vẻn vẹn 90 chiến sỹ, lương thực, vũ khí, thuốc men đều thiếu. Nếu không có kế sách, có thể cả Đại đội hy sinh vô ích.

Sau nhiều buổi họp bàn kế hoạch tác chiến, Đại đội quyết định dùng cách đánh tỉa. Ta lần lượt diệt các mục tiêu chân rết, chặt đứt mọi tiếp viện về hỏa lực của địch cho Pha Thí. Mở màn trận Xáp Xưa (tháng 9/1965), hai bên giành giật nhau từng mét đất, từng quả đồi, bom và pháo 12 ly 7 ngày đêm cày sới. Nhiều lúc, bộ đội ta phải hứng từng giọt sương, gạn từng chén nước dưới hố bom chứa đầy xác chết để chống chọi lại cơn khát. Địch vẫn ngoan cố chống trả quyết liệt, liên tục tăng cường quân số, khiến việc đánh chiếm Pha Thí hết sức khó khăn, kéo dài gần 2 năm.

 Năm 1967, trực tiếp Hoàng thân Xu - va - nu - vong cùng với Bộ Chính trị Việt Nam có mặt tại Mường Ngà giao nhiệm vụ cho Đại đội C23 phải “đánh chiếm Pha Thí bằng mọi cách”. Đồng thời, Bộ Chính trị vạch ra chiến lược “dương Đông, kích Tây”, dùng máy ủi của đơn vị công binh 217, ngụy trang thành C23, còn lực lượng C23 “xịn” thì được chia thành nhiều mũi tấn công vào Pha No, Khu D, Khu Cầu Thang… Sau nhiều ngày chiến đấu kiên cường trong lằn ranh giữa sự sống và cái chết, đầu năm 1968, C23 đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếm giữ Pha Thí.

 Cũng trong trận đánh này, ông Hà bị một mảnh đạn găm vào đầu, thân thể vùi sâu trong lòng đất, may mắn ông được đồng đội phát hiện cứu sống. Rất nhiều chiến sỹ Đại đội C23 hy sinh, nằm ngổn ngang ở chiến trường, mọi người phải chờ đêm xuống mới đi nhặt xác về chôn cất. Vì lập thành tích xuất sắc, ông Hà được phong danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” và sau này được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Thay mặt Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư biểu dương thành tích của toàn Đại đội. Đồng thời, cũng ra Chỉ thị phải giữ trọn Pha Thí, bởi nguy cơ quân địch tái đánh chiếm rất cao.

Đúng như Bộ Chính trị nhận định, cuối năm 1968, địch đã phản công nhằm tái chiếm Pha Thí. Hơn 40 ngày đêm, địch cho máy bay oanh tạc dữ dội, trận địa mù khói súng, đạn pháo, tên lửa. Suốt từ năm 1969 đến năm 1973, Đại đội C23 đã bẻ gãy không biết bao đợt tấn công của địch. Để giữ trọn Pha Thí, hàng trăm chiến sỹ hy sinh nằm lại vùng đất “thép” này.

Năm 1973, sau gần 10 năm chiến đấu bên nước bạn Lào, ông Hà được điều động về tham gia chiến dịch đánh vào Buôn Mê Thuột, Sài Gòn… Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông lại được điều về Nghệ An làm công tác huấn luyện. Đến tháng 8/1975, đơn vị C23 chính thức giải thể, ông nhận quyết định xuất ngũ, trở về xây dựng quê hương.

Nghĩa cử với đồng đội

Trên chuyến xe “định mệnh” trở về với mảnh đất Cẩm Thủy này, ông Hà bị mất cắp, trong đó có toàn bộ tư trang, giấy tờ. Không được công nhận quân nhân phục viên, ông không được hưởng bất cứ một chế độ gì. Nỗi đau vì thương tật bởi viên đạn chưa được lấy ra dày vò ông, nhưng nó cũng không lớn bằng nỗi đau không được thừa nhận. Bao năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, sống trong cái lằn ranh mong manh sống và chết. Vậy mà giờ đây, ông phải nhận những ánh nhìn thương hại của mọi người khi thấy ông nói mình là bộ đội, mà lại là bộ đội đặc công!

Gia cảnh nhà ông vốn đã nghèo lại càng nghèo, người vợ tảo tần, làm lụng vất vả lo mấy miệng ăn. Giờ lại phải còng lưng gánh thêm ông và cũng gánh luôn cả cái mảnh đạn găm trong đầu chồng. Thỉnh thoảng trở trời, ông lên cơn co giật, có khi ốm nằm liệt giường cả tháng. Bà con lối xóm thương tình, thỉnh thoảng qua thăm hỏi, cho ông dăm củ sắn, củ khoai. Đã vậy, mỗi khi đặt mình nằm xuống, lời đồng đội trăn trối khi hấp hối “nếu sống sót, nhớ đưa mình về quê nhé”, cứ ám ảnh ông trong những cơn mộng mị.

Ông Hà tự nhủ, bằng giá nào cũng phải tìm cách thực hiện lời hứa, bởi đó vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa tình với đồng đội cùng vào sinh ra tử và cũng để tự cứu mình. Từ đó, ông lần giở trí nhớ, vẽ lại toàn bộ sơ đồ trận địa năm xưa, từng vị trí chôn cất được ông đánh dấu tỉ mỉ. Nhờ trí nhớ siêu việt của người lính đặc công C23, tấm bản đồ ông vẽ sau này khi đem ra so sánh với bản đồ quân sự thì gần như trùng khớp.

Năm 2003, ông Hà gửi tấm bản đồ đó cho Tỉnh đội Thanh Hóa. Sau khi nghe ông kể vanh vách về những trận đánh và vị trí chôn cất đồng đội năm xưa, Tỉnh đội Thanh Hóa đã cử Đội quy tập mộ liệt sỹ phối hợp với ông để tìm hài cốt bên nước bạn Lào, công việc mà sau 6 lần họ tìm kiếm trước đây không có kết quả. Nhờ vào tấm bản đồ đó, trong năm 2004, đã có gần 130 bộ hài cốt liệt sỹ được tìm thấy mang về an táng tại Nghĩa trang Hàm Rồng. Đích thân Trung tướng Lê Hân biểu dương ông như một tấm gương sáng thời bình. Hàng trăm gia đình gửi thư cảm ơn, nhờ tấm bản đồ ông vẽ, đã giúp họ tìm được hài cốt thân nhân của mình. Đặc biệt, năm 2008, ông Đinh Công Thắng, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam đã về tận Cẩm Thủy để cảm ơn ông Hà đã giúp tìm hài cốt anh trai mình là liệt sỹ Đinh Công Trưởng.

Và, gần 30 năm sau chiến tranh, ông mới được công nhận quân nhân phục viên, công nhận là bộ đội, cộng thêm phần thưởng một chiếc ti vi, một quạt điện. Ông được đưa đi giám định thương tật ở Quân khu 4, với tỷ lệ thương tật 38%, hưởng trợ cấp thương binh ¼. Tuy số tiền không đủ để trang trải thuốc men, nhưng ông cũng cảm thấy yên lòng. Bởi với ông, cái chuyện có được đi giám định tiếp thương tật ở não, để hưởng mức trợ cấp cao hơn cũng không quan trọng, cái chính là ông đã tìm lại được “thân phận” của mình. Chỉ duy nhất một điều ông mong muốn, một dịp nào đó được đi thăm lại chiến trường Pha Thí năm xưa, vừa để tìm nốt những di hài đồng đội còn lại. Bởi, ông vẫn đau đáu một điều, với hơn 340 bộ hài cốt tìm thấy trong mấy năm qua, có lẽ vẫn còn sót ai đó? 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tấm lòng của một thương binh nghèo