Ngày hôm qua (5/2), TAND TP Hà Nội tiếp tục tuyên Trịnh Xuân Thanh lĩnh thêm 1 bản án chung thân về tội Tham ô tài sản.
Trước đó trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) Trịnh Xuân Thanh cũng bị tuyên mức án chung thân cho tội danh Tham ô tài sản.
Với 2 bản án chung thân, cái giá phải trả cho những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của mình nhưng trong cả hai phiên tòa Trịnh Xuân Thanh khăng khăng cho mình là vô can rồi giả ngây, giả ngô trong lời nói tại Tòa.
Trong những lời nói sau cùng tại 2 phiên tòa, Trịnh Xuân Thanh đều bày tỏ nguyện vọng được ra nước ngoài thăm vợ con, đoàn tụ với gia đình. Sự ngây ngô của bị cáo khiến nhiều người bật cười, thậm chí ngạc nhiên.
Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa xét xử vụ Tham ô tài sản tại PVP Land
Chẳng lẽ một người đã từng kinh qua nhiều chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước như Trịnh Xuân Thanh lại là một kẻ ngây ngô đến vậy? Hay vì đối diện với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật làm bị cáo thành ra lú lẫn?
Một người dân bình thường khi theo dõi phiên tòa cũng thừa hiểu rằng, mức án chung thân dành cho Trịnh Xuân Thanh là áp dụng cho hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Nguyện vọng của Trịnh Xuân Thanh trong lời nói sau cùng không khác gì một sự hoang tưởng.
Gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, tham ô, tư túi hàng chục tỉ trong cả hai vụ án; luồn lách, chạy chọt ngồi vào ghế nọ ghế kia trong bộ máy nhà nước, Thanh đâu phải kẻ tầm thường.
Có người cho rằng, có lẽ Trịnh Xuân Thanh không am tường pháp luật nên những kiến thức sơ đẳng về pháp luật bị cáo cũng không hay, không biết. Nhưng tôi nghĩ phía sau sự ngây ngô của Trịnh Xuân Thành là tư duy của một bị cáo đầy lọc lõi.
Suy nghĩ chủ quan của Trịnh Xuân Thanh về mức độ nghiêm trọng trong hành vi của mình không thể không có nhưng ở lời nói sau cùng bị cáo vẫn cố lèo lái để dư luận nhìn nhận, đánh giá vụ án theo một chiều hướng khác.
Nó không chỉ nhằm thực hiện một mục đích nào đó của Trịnh Xuân Thanh mà còn thể hiện thái độ coi thường pháp luật của bị cáo. Hai bản án chung thân cho thấy, pháp luật không phải là cái để Trịnh Xuân Thanh đem ra bỡn đùa; công đường không phải là nơi để bị cáo diễn trò giả ngây, giả dại.
Qua vụ án của Trịnh Xuân Thanh cũng cho chúng ta một bài học đau xót về công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý lãnh đạo. Câu hỏi vì sao một người như Trịnh Xuân Thanh có thể luồn sâu, trèo cao như thế liệu có khó trả lời?
Những người đã trải thảm, dìu dắt, nâng đỡ Trịnh Xuân Thanh khi theo dõi phiên tòa sẽ nghĩ gì khi thấy kẻ từng là "chân tay" của mình trong thái độ, hình hài ngây dại như thế?