Niềm tin cải cách

Bảo Dân| 25/09/2017 20:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau gần 2 năm, tư lệnh mới của ngành Công Thương đặt quyết tâm xoá bỏ rào cản, triệt tiêu “giấy phép con”, vừa mạnh tay xoá bỏ 675 điều kiện kinh doanh, tính ra đã chiếm 55% trong tổng số các điều kiện kinh doanh mà bộ này quản lý.

Theo báo cáo của Tổ công tác về cải cách hành chính của Bộ Công Thương, trong tổng số điều kiện kinh doanh đã tiến hành rà soát là 1.216 trên 27 ngành, nghề chưa tính đến ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô là ngành nghề thứ 28.

Cũng theo báo cáo của Tổ công tác, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm gồm: kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo (lĩnh vực này đã được đề xuất đơn giản hóa theo hướng bỏ yêu cầu về quy mô trong từng điều kiện và thay vào đó áp dụng quy chuẩn).

Ngoài ra, các ngành nghề khác như tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng; kinh doanh khoáng sản; hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; hoạt động dầu khí; kiểm toán năng lượng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài cũng không có đề xuất cắt giảm.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo.

Ngoài ra Bộ Công Thương đã giảm được trên 58% lượng mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan, còn lại đều là những mặt hàng mà theo quy định của pháp luật, Bộ không có thẩm quyền bãi bỏ việc kiểm tra trước thông quan. Tuy nhiên, với những mặt hàng này, Bộ đã triệt để áp dụng các nguyên tắc như minh bạch hóa (quy định đầy đủ mã HS), quản lý theo mức độ rủi ro (phương thức kiểm tra giảm hoặc chỉ kiểm tra hồ sơ), quản lý theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và xóa bỏ độc quyền, xã hội hóa công tác kiểm tra.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Tổ công tác, việc bãi bỏ thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde đối với vải, sợi, bán thành phẩm và sản phẩm mẫu đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 1,5 triệu đồng cho mỗi lần kiểm nghiệm mẫu và rút ngắn được thời gian thông quan từ 2,4 đến 3,8 ngày.

Quyết định đột phá của Bộ trưởng Bộ Công Thương được các chuyên gia và doanh nghiêp đánh giá là việc tốt cần làm ngay và đi đầu trong mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ.  Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời khen ngợi quyết tâm cải cách của một bộ từng được xem là "cái nôi" sinh ra nhiều điều kiện kinh doanh và nhiều thủ tục cản trở doanh nghiệp phát triển.

Còn các chuyên gia của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cảm thấy hài lòng khi “pháo lệnh” cải cách sẽ đặt áp lực rất lớn cho các bộ, ngành khác.

Về phần mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây không phải cuộc phiêu lưu chính trị, mà được thực hiện qua một tiến trình kể từ đầu nhiệm kỳ.

Hoan nghênh quyết định vì doanh nghiệp của Bộ Công Thương. Chúng ta chờ đợi động thái mới của các bộ ngành khác như Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên- Môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin cải cách