Lấp khoảng trống pháp lý về bảo vệ môi trường

Trung Nguyễn| 06/08/2020 11:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Kỳ họp thứ 9, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quy định về phân loại sự cố môi trường trong dự thảo Luật khó nhận diện, chưa thuận lợi cho việc xác định trách nhiệm liên quan.

Sự cố môi trường đang xảy ra ngày càng nhiều với quy mô và cấp độ khác nhau. Song, việc ứng phó, khắc phục hậu quả của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan còn nhiều lúng túng, sự phối hợp chưa hiệu quả. Lý giải về hạn chế này, tại Tờ trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã nêu rõ, các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chưa rõ ràng về bản chất, loại hình, cấp độ, trách nhiệm phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.

Do vậy, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo hướng làm rõ các loại sự cố môi trường, làm cơ sở đưa ra các biện pháp, phân định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý các hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Tại Kỳ họp thứ Chín, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quy định về phân loại sự cố môi trường trong dự thảo Luật khó nhận diện, chưa thuận lợi cho việc xác định trách nhiệm liên quan.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới nhất đã chỉnh sửa quy định về phân loại sự cố môi trường theo 4 loại, trên cơ sở phạm vi ảnh hưởng về không gian, địa giới hành chính. Dự thảo Luật cũng quy định, việc phân loại được thực hiện ngay khi phát hiện xảy ra sự cố để xác định cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó; quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường để nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã không đồng tình với cách phân loại này. Theo TS. Nguyễn Văn Phương, Trưởng bộ môn Luật môi trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, việc phân loại sự cố môi trường theo phạm vi ảnh hưởng khó có thể thực hiện ngay sau khi xảy ra. Trong khi đó, dự thảo Luật cũng quy định đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch ứng phó môi trường. Với quy định tại Khoản 1, 2, Điều 129, dự thảo Luật, TS Phương cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sẽ phải đưa ra giả định về sự cố môi trường - vốn rất khó thực hiện.

Tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã sửa đổi cách phân loại sự cố môi trường, làm rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo Tờ trình của Chính phủ, lần đầu tiên đã có quy định rõ về việc cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố; huy động tài chính ứng phó sự cố môi trường. Tuy nhiên nhiều ĐBQH và các chuyên gia đã chỉ rõ, việc phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường đã được quy định tại nhiều luật liên quan, như Luật Hóa chất; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Phòng, chống dịch bệnh…

Quy định về sự cố môi trường trong các luật chuyên ngành về bản chất là điều chỉnh với sự cố gây ra bởi các nguyên nhân cụ thể tùy theo đặc thù của ngành, lĩnh vực. Quy định tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là điều chỉnh với sự cố gây tác động đến môi trường chung do con người gây ra (loại trừ sự cố do thiên nhiên gây ra). Nhưng khi các luật hiện hành đang có một số khoảng trống, có những điểm chồng lấn gây khó khăn cho doanh nghiệp, thì cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, có bổ sung, điều chỉnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấp khoảng trống pháp lý về bảo vệ môi trường