Gửi về Yên Định mấy lời

Biên Thùy| 20/03/2020 10:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa mới về huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa kiểm tra xem ăn uống, tiêu pha thế nào mà nợ dân đến hơn 50 tỷ.

Giữa lúc quằn quại với đại dịch, thông tin Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Yên Định ở xứ Thanh nợ đầm nợ đìa mấy chục tỷ đồng khiến dư luận giận...tím người.

Được biết, khoản nợ này chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 - 2015, khi hai vị lãnh đạo đã nghỉ hưu là ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện.  

Huyện ủy và UBND huyện này vay ai? Vay nhiều người, trong đó có những cán bộ công tác ở Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Thanh tra cho đến cả người làm việc ở nhà ăn của UBND huyện.

Gửi về Yên Định mấy lời

Huyện ủy Yên Định (Thanh Hóa) nơi đang gánh nợ dân nhiều tỷ đồng

Theo bảng tổng hợp công nợ của Huyện ủy Yên Định đề ngày 25/6/2016 có đóng dấu Huyện ủy cùng chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, Kế toán tổng hợp và Chánh Văn phòng, tổng số nợ của cơ quan Huyện ủy trong 4 năm từ 2012 - 2015 là 27.621.618.000 đồng (trong đó, nợ 25 người thuộc Huyện ủy chiếm tới 23.652.821.000 đồng; Nợ ngoài cơ quan 29 người với số tiền 3.923.077.000 đồng). Bên phía UBND huyện Yên Định cũng có số nợ khoảng 23 tỷ đồng. 

Hai cơ quan này làm gì mà nợ như "chúa Chổm" vậy? Nói chung là nhiều. Từ việc sửa sang cơ sở vật chất, sửa xe của lãnh đạo bị hỏng, đổ xăng cho xe lãnh đạo đi, tiền ăn uống, tiếp khách của lãnh đạo, tiền giấy bút, mực in, tiền quà tặng dịp đại hội, kỷ niệm...

Những khoản chi lặt văt nhiều đến nỗi huyện này phải thành lập tổ công tác 11 người để phân loại hóa đơn, chứng từ xem cái khoản nào chi hợp lý, cái nào chưa để báo cáo cấp trên xin ý kiến xử lý.

Không biết các vị nghe cái vụ này có đáng xấu hổ không? Một huyện vốn đã nghèo thuộc một tỉnh cũng không giàu mà lại nảy nòi cái thói vung tay quá trán, bóc ngắn cắn dài đến mức trở thành "con nợ".

Một cơ quan công quyền, phụ mẫu của dân mà để dân giáp Tết Nguyên đán đến réo đòi nợ, phải gửi đơn kêu cứu thì còn mặt mũi nào mà lãnh đạo, chỉ đạo ai. Dân còn nghèo những mong lãnh đạo huyện anh minh, soi đường chỉ lối bày cách cho con dân làm giàu, ai dè tiền ăn còn phải đi vay. Thế thì, cái lý thuyết phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo có phổ biến dân nào dám nghe theo?

Câu hỏi quan trọng nhất lúc này là ai sẽ trả cái khoản nợ hơn 50 tỷ đồng treo trên đầu các vị? Đương nhiên có nợ thì phải trả, không thể quỵt. Đã là cơ quan công quyền thì ăn không, ăn hỏng của dân sao đặng. Thế nhưng, rót ngân sách mà trả thì khác nào tiền dân lại đi trả nợ dân. Nếu không có một lời giải thích thỏa đáng e rằng dư luận bội phần không phục.

Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc ngay sau khi có thông tin là phản ứng rất kịp thời. Cần phải thanh tra, phân loại những khoản nợ để xác tín việc chi tiêu kiểu "vén tay áo xô đốt nhà táng giấy" của cái huyện này. 

Đành rằng, có những khoản chi vào công việc phù hợp, song để bội chi biến huyện trở thành "con nợ" thì phải xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu dù nghỉ hưu hay còn tại vị. Bởi nếu không, nhiều cơ quan công quyền sẽ lại là "chúa Chổm" chứ chẳng chơi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gửi về Yên Định mấy lời