Giấy phép “con” và cái “ghế” lãnh đạo

Bảo Dân| 24/10/2018 08:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời hạn trình Chính phủ ban hành các nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh chỉ còn ít ngày nữa nhưng các bộ vẫn phải nghiên cứu hoàn chỉnh kế hoạch và chương trình cắt bỏ một loạt giấy phép con cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh.

Hiện, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đầu đang rốt ráo đốc thúc một số bộ hoàn thành nhiều công việc trong việc bỏ “giấy phép con” trước 30 tháng 10.

Thực hiện yêu cầu kiến tạo và phục vụ, cải cách hành chính, Chính phủ yêu cầu trong năm 2018 cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh. Quyết tâm của Chính phủ cao là vậy, tuy nhiên các bộ ngành đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh và 1.700 dòng hàng trên tổng số 9.926 dòng hàng cần cắt giảm.

Bên cạnh mối quan tâm đến tiến độ cắt giảm, các doanh nghiệp và người dân đang để ý xem có đúng là cắt giảm hay lại gom nhiều điều kiện thành 1 để “đẹp văn bản” và không loại trừ khả năng cắt điều kiện A nhưng lại thêm điều kiện B…

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trung bình hàng năm có khoảng 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh được ban hành và đưa vào áp dụng. Hàng vạn điều kiên kinh doanh ra đời từ “rừng” văn bản này. Các điều kiện kinh doanh mới thường phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước nhưng không ít văn bản nhằm tới lợi ích cục bộ của từng bộ ngành.

Chẳng hạn, mới đây Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM phản ánh về quy định không được nhập khẩu lúa mì vào Việt Nam nếu có dính hạt cỏ, trong khi mấy chục năm nay, vẫn nhập bình thường. Đáng chú ý, quy định này không phải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà là của Chi cục kiểm dịch thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật của bộ này.

Xung quanh vụ việc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, ngay Cục trưởng cũng không có thẩm quyền ban hành văn bản như vậy. 

Số liệu của VCCI cho hay, năm 2017, các doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng cho kiểm tra chuyên ngành với trên 100.000 mặt hàng nhưng chỉ phát hiện 0,06% số lô hàng có vi phạm.  Có mặt hàng do 4 bộ kiểm tra, hoặc do mấy đơn vị cùng một bộ kiểm tra gây khó cho doanh nghiệp. 

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã quyết liệt trong cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh doanh, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Câu chuyện Chi cục ban hành lệnh cấm nhập khẩu lúa mì không đúng thẩm quyền là bài học đắt giá về gây cản trở và phiền hà cho doanh nghiệp… Các chuyên gia nhấn mạnh, điều mà doanh nghiệp quan tâm đó là bên cạnh “nguy cơ bẫy thu nhập trung bình”, cần lưu tâm đến nguy cơ mắc bẫy “thể chế trung bình”.

Không thể lập luận rằng có những lĩnh vực, chất lượng thể chế ở nước ta cao hơn mức trung bình thế giới là được rồi. Đã đến lúc cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu mà ở đây chính là chức vụ trong bộ máy – nói theo dân gian là cái “ghế” lãnh đạo với chất lượng văn bản ban hành. Nội dung đánh giá chất lượng văn bản, thể chế phải trở thành tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Suy cho cùng, chỉ có thể chế chất lượng cao mới có thể xây dựng và phát triển nền kinh tế hiện đại, một xã hội hiện đại và hội nhập. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giấy phép “con” và cái “ghế” lãnh đạo