Cách làm ăn “chộp giật”, thiếu văn hóa, không nghĩ đến hậu quả… của một số cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách đã làm xấu hình ảnh, mất uy tín, nhiều du khách đã một đi không bao giờ trở lại.
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền một hóa đơn thanh toán ghi tên nhà hàng Hưng Phát ở phường Lộc Thọ (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) với số tiền phải thanh toán hơn 9 triệu đồng, trong đó có nhiều món ăn với giá "cắt cổ". Phiếu thanh toán có tổng cộng 11 món, trong đó có một số món được cho là quá đắt so với thực tế như: đậu Hà Lan xào tỏi 300.000 đồng/phần; cơm trắng 200.000 đồng/phần, trứng xào cà chua giá 500.000 đồng/phần.
Như vậy, câu chuyện “chặt chém” lại một lần nữa được dư luận quan tâm, bởi việc “chặt chém” ảnh hưởng đến chất lượng du lịch, làm suy giảm số lượng du khách và xấu hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa đến nhà hàng xác minh, làm rõ thông tin sự việc phiếu thanh toán đang gây xôn xao dư luận
Sau Tết, số lượng du khách gia tăng đột biến, không chỉ du khách nước ngoài, Việt kiều hồi hương mà còn có cả du khách trong nước. Địa điểm thu hút du lịch chủ yếu là các bãi biển, khu nghỉ dưỡng, khu di tích, nơi tổ chức các lễ hội hoặc danh lam thắng cảnh…Vì số lượng du khách gia tăng đột biến, do đó nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ cũng mọc lên như nấm để phục vụ nhu cầu của du khách và đây là cơ hội để các chủ cửa hàng thay nhau “chặt chém” vào dịp này.
Cách làm ăn “chộp giật”, thiếu văn hóa, không nghĩ đến hậu quả…của một số cửa hàng cung cấp dịch cho du khách đã làm xấu hình ảnh, nhiều du khách đã một đi không bao giờ trở lại. Để đối phó với tình trạng “chặt chém”, nhiều du khách phải chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống mang theo trước khi đi du lịch.
Không chỉ “chặt chém” du khách ở các địa điểm cung cấp dịch vụ cố định như nhà hàng, khách sạn, cửa hàng kinh doanh mà tình trạng chèo kéo, “chặt chém” diễn ra khắp nơi trên đường phố từ người bán hàng rong đến người đánh giày, người buôn bán đồ lưu niệm…Nhiều đối tượng còn có hành vi chèo kéo, bắt ép du khách theo kiểu trấn lột, cưỡng đoạt tài sản; nhiều nơi các đối tượng này hoạt động theo kiểu xã hội đen, có tổ chức, có kế hoạch hẳn hoi mà thời gian qua báo chí đã phản ảnh.
Để ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý du lịch; bắt buộc các cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách phải có đăng ký kinh doanh, niêm yết công khai, đầy đủ giá cả của các loại hàng hóa, sản phẩm bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tùy vào đối tượng du khách mà cửa hàng nhắm đến. Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về tình trạng “chặt chém” hoặc hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ…du khách.
Bên cạnh đó, phải kiên quyết xóa bỏ tình trạng buôn bán hàng rong để chèo kéo, đu bám du khách; có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng này. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp lữ hành có hành vi móc nối với các địa điểm du lịch để “chặt chém”, ép buộc du khách phải sử dụng các dịch vụ. Nếu xảy ra tình trạng “chặt chém”, lực lượng chức năng cần khẩn trương vào cuộc để tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định, đặc biệt là bắt buộc phải bồi thường, công khai xin lỗi đối với du khách đã sử dụng dịch vụ.
Mặt khác, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự với du khách để xây dựng hình ảnh tốt đẹp về con người, đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế; để du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách hơn nữa trong thời gian tới, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.