Tâm điểm dư luận

Chống lãng phí không bao giờ cũ

Trung Nguyễn 08/11/2024 - 14:31

Nhất trí với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025 với nhiều thành tựu nổi bật, bên cạnh đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền.

Đại biểu nhấn mạnh, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp. Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Bài viết đã đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, tình trạng này có những nguyên nhân chủ yếu sau: Còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội; Có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian; Bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình vào trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do cách làm cán bộ, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình phụ thuộc nên một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn; Chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao…

Trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu và việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở, có 2 điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí là Điều 179 (tội thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) và Điều 219 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Song trên thực tế, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác, như tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng... Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao, đại biểu Mai Thị Phương Hoa thẳng thắn.

Cho rằng, đây là một nội dung không mới vì hàng năm Quốc hội đều thảo luận, đánh giá về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), thì "chống lãng phí" cũng không bao giờ cũ vì luôn mang tính thời sự, được xác định là một lực cản đối với sự phát triển của đất nước.

Liên hệ với tình hình hiện nay, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu rõ, đến nay chúng ta chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ về sự lãng phí nêu trên, nhưng "theo tôi con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng". Và, đây mới chỉ là con số về mặt tài chính, ngoài ra còn là những lãng phí hệ lụy, như lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước... thì không đo đếm hết và trước hết đó là lãng phí niềm tin của nhân dân.

Cùng quan điểm, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị kiểm điểm rõ trách nhiệm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở phát triển. Đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đại biểu cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề hạn chế trong thể chế, cơ chế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân. Trong đó phải nói đến tác động không nhỏ do ảnh hưởng của sự lãng phí diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua.

Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn có hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến”, đại biểu nêu rõ, vấn đề này tại buổi làm việc về chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa phân tích sâu sắc những tác hại và sự cần thiết phải đẩy mạnh chống lãng phí. Đồng thời tại phiên thảo luận tổ mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ các công trình, dự án bị bỏ hoang không sử dụng được.

Từ thực tiễn trên, đại biểu kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra. Thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.

Đặc biệt có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương tổ chức thực hiện với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống lãng phí không bao giờ cũ