Từ khi có quyết định giải phóng mặt bằng, di dời đến khu tái định cư mới cũng đã ngót 3 năm, thế nhưng toàn bộ người dân bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hoá) vẫn không thể di chuyển đến khu ở mới.
Dự án thủy điện Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được triển khai thi công từ năm 2010, đến năm 2015, khi UBND huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) có quyết định giải phóng mặt bằng, di chuyển người dân trên địa phận 7 xã để phục vụ cho dự án thủy điện Hồi Xuân thì có đến 2.346 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 431 hộ nằm trong diện phải di dời đến nơi ở mới.
Người dân bản Sa Lắng chưa thể di chuyển đến nơi ở mới khi khu tái định cư hiện chỉ là một bãi đất trống
Cũng từ đây đã bộc lộ nhiều bất cập xung quanh công tác di dời,tái định cư đến ổn định đời sống người dân sau khi chuyển đến khu ở mới. Toàn bộbản Sa Lắng, xã Thanh Xuân với 53 hộ dân, 280 nhân khẩu cũng nằm trong diện phải di dời tập trung sang khu tái định cư mới. Thế nhưng cũng từ đó đến nay, khu tái định cư mới của người dân bản Sa Lắng chỉ là một khu đất trống, mới thi công được phần đất nền.
Ông Cao Thanh Bình – Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Sa Lắng cho biết: “Từ khoảng tháng 4/2015, chúng tôi nhận được thông báo của cấp trên là phải di dời toàn bộ bà con trong bản để phục vụ cho dự án thủy điện Hồi Xuân. Toàn bộ bà còn đều nhất trí đồng thuận, hợp tác nhường đất để phục vụ dự án. Từ trước đến giờ đời sống bà con nơi đây cũng đang rất vất vả, khi được nghe giới thiệu về khu tái định cư mới ổn định hơn, tập trung hơn với đầy đủ các công trình công cộng khang trang bà con đều rất vui mừng. Thế nhưng ai ngờ đâu, từ đây cũng là lúc đời sống của người dân càng thêm phần khó khăn”.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn khi đây là con đường duy nhất ra vào bản
Một thực trạng dễ nhận thấy tại Sa Lắng là gần như toàn bộ nhà cửa của bà con nơi đây được xây dựng từ lâu đời, đa phần đã xuống cấp. Khi người dân muốn tu sửa lại để chống chọi với thiên nhiên cũng chẳng được vì vướng vào phải di dời. Một phần nữa điều kiện kinh tế còn hạn chế, người dân ai ai cũng tiết kiệm để dành toàn bộ chi phí vào ổn định cuộc sống ở nơi ở mới.
“Nhà hỏng không dám sửa, định đi vay tiền để xây nhà mới cũng chả dám, vì xây rồi sau này sang khu ở mới biết lấy tiền đâu ra mà cất nhà mới. Tôi chỉ dám căng lại cái bạt trên mái để tránh mưa, với gia cố lại 1 ít nếu không mưa to có khi nhà sập mất” – Một người dân bản Sa Lắng chia sẻ với PV.
Những ngôi nhà xuống cấp nhưng người dân chỉ dám gia cố nhẹ, không dám đầu tư vào sửa chữa hoặc xây mới
Trong phê duyệt khu tái định cư cho người dân bản Sa Lắng, vị trí được chọn cũng nằm trên địa phận bản này. Cũng ngay tại khu tái định cư đang có 5 hộ dân sinh sống và mưu sinh. Ngay sau khi có quyết định di dời của chính quyền, người dân đã tự nguyện tháo dỡ toàn bộ nhà cửa, làm nhà tạm bợ để thi công khu tái định cư. Tưởng rằng chỉ một thời gian ngắn họ sẽ được quay về, thế nhưng đã nhiều năm trôi qua nơi đây vẫn chỉ là một bãi đất trống.
Gia đình anh Hà Văn Hạnh là một trong 5 hộ phải tháo nhà khẩn cấp để thi công khu tái định cư, anh Hạnh cùng gia đình đã làm 1 cái lều tạm bợ ngay trong bản để sinh sống, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Nhìn căn lều tạm bợ của gia đình anh mà chúng tôi cảm thấy ái ngại, không biết phép màu nào đã giúp gia đình anh sinh sống tại đây.
Những năm qua, gia đình anh Hạnh đang phải sinh sống tại nơi được gọi là "nhà"
Theo sự chỉ dẫn của Trưởng bản Sa Lắng, chúng tôi có mặt tại khu tái định cư cho người dân. Một bãi đất trống, vài đống đá, một vài phương tiện phục vụ thi công đắp chiếu và lác đác vài công nhân là những gì chúng tôi nhìn thấy. Cũng theo lời của vị Trưởng bản: Đơn vị thi công khu tái định cư triển khai làm rất chậm chạp, làm được một thời gian ngắn lại nghỉ một thời gian dài. Chờ đợi đến giờ phút này chúng tôi cũng chẳng biết khi nào mới được chuyển về đây, rồi cũng chẳng biết điện, nước sạch chúng tôi sẽ lấy ở đâu để dùng.”
Theo quan sát, khu tái định cư mới có một phần diện tích với nền đất đá tự nhiên, phần lớn còn lại là đất từ nơi khác chở đến rồi san lấp. Theo như dự kiến, khi được chuyển về đây, khu đất này sẽ được đánh số và người dân sẽ bốc thăm và chia theo diện tích từng hộ. Chính vì thế bà con lo lắng nếu phải di chuyển đến nơi nền đất yếu, khi dựng nhà hoặc gặp thiên tai sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.
Công trình thủy điện Hồi Xuân đang được tiếp tục thi công
Đề nghị chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, cũng như chủ đầu tư có phương án đẩy nhanh tiến độ thi công khu tái định cư mới. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách, phương án phù hợp để hỗ trợ người dân tạm ổn định cuộc sống.
Dự án thủy điện Hồi Xuân đã được triển khai thi công từ năm 2010, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW bao gồm 03 tổ máy có sản xuất lượng điện trung bình 432,61 triệu kWh/năm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã chậm tiến độ do khó khăn trong việc vay vốn từ phía ngân hàng Trung Quốc. Tháng 10/2014, dự án được chuyển giao từ Công ty Thủy điện Hồi Xuân - Vneco, thuộc Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (trực thuộc Bộ Công Thương) cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông, đơn vị sẽ tham gia với tư cách cổ đông nắm giữ 90% cổ phần để cùng đầu tư hoàn thiện dự án. |