Syria "chia năm xẻ bảy" vì toan tính của các cường quốc

Hà Kim (Theo New York Times)| 16/04/2018 17:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ chỗ đối đầu giữa quân đội chính phủ với người biểu tình ôn hòa, nội chiến Syria nay trở thành võ đài quân sự - chính trị giữa các cường quốc trong khu vực và thế giới.

Theo New York Times, trong bối cảnh chiến sự tại Syria leo thang những ngày qua cùng với sự can dự trực tiếp của các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel… khiến chỉ trong vài ngày, Chiến tranh thế giới thứ 3 thu nhỏ như thể đang diễn ra trong lòng Syria.

Đặc biệt, cuộc không kích hôm 14/4 do liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành là bước leo thang nghiêm trọng trong bối cảnh Syria đang chia năm xẻ bảy, hứa hẹn cuộc nội chiến đến nay đã bước sang năm thứ 7 sẽ chưa thể đi đến hồi kết.

Đêm ngày 13/4, trước khi Mỹ và đồng minh tiến hành không kích ở Syria, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một lần nữa cảnh báo các cường quốc đang cùng đẩy nhau đến thảm hoạ. “Chiến tranh lạnh đang trở lại”, ông nói. Tuy nhiên, sự việc đêm hôm ấy có khác biệt, đó là tình hình không còn “lạnh” nữa mà quân đội Mỹ, Anh và Pháp đã ồ ạt tấn công các mục tiêu tại Syria.

Lúc đầu, Tổng thống Trump muốn giáng đòn nặng nề vào các căn cứ chủ chốt ở Syria, nhưng sau đó quyết định giảm nhẹ cường độ bằng việc chỉ tiêu diệt các cơ sở được cho là chứa vũ khí hoá học. Bởi, ông Trump nhớ ra rằng thành phần cử tri ủng hộ trong nước quan trọng của ông đều không muốn Mỹ sa lầy vào cuộc chiến ở Syria.

Tuy nhiên, sau khi thông báo về vụ không kích, chính quyền Trump tiếp tục cảnh báo sẽ ra tay lần nữa nếu Damascus lại sử dụng vũ khí hoá học. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley phát biểu mạnh mẽ trước Hội đồng Bảo an rằng, "nếu chính quyền Assad lặp lại, tên lửa Mỹ đã chốt và sẵn sàng phóng”. Những tuyên bố cứng rắn như vậy kéo Mỹ lún sâu hơn vào tình hình Syria.

Về phía lãnh đạo các nước Anh và Pháp, họ đều khẳng định việc họ tham gia không kích là nhằm chứng tỏ việc sử dụng vũ khí hoá học sẽ không thể được dung thứ. Theo tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất 350.000 người thiệt mạng vì các loại khí độc này ở Syria.

Một ngày sau vụ không kích, Bộ Ngoại giao Syria lập tức ra thông báo, quyết tâm và ý chí của nhân dân Syria sẽ không bị ảnh hưởng. Quân đội sẽ tiếp tục theo đuổi tàn dư khủng bố và bảo vệ chủ quyền đất nước. Thậm chí, sau vụ không kích của liên quân Mỹ - Anh- Pháp, Syria cho biết đang chuẩn bị mở cuộc tấn công vào thành phố Daraa, nơi hiện nằm dưới sự kiểm soát của Southern Front, nhóm vũ trang nổi dậy do Mỹ và Saudi Arabia hậu thuẫn.

Theo các chuyên gia, cuộc không kích hôm 14/4 của liên quân Mỹ - Anh - Pháp, dẫu lớn gấp đôi về quy mô so với năm 2017, nhưng được đánh giá là không có nhiều tác động tới cục diện chung trên chiến trường Syria, nơi mà các chuyên gia nhận định là "Nga đang nắm thế thượng phong".

Syria

Nội chiến Syria nay trở thành võ đài quân sự - chính trị giữa các cường quốc trong khu vực và thế giới

Trong khi đó, mục tiêu của Nga tại Syria rất rõ ràng đó là, chấm dứt chiến sự và duy trì một chính phủ nằm trong vòng ảnh hưởng của Moscow. Ngoài ra, canh bạc can dự sâu vào cuộc nội chiến Syria cũng mang lại cho Nga hai trái ngọt, đó là thiết lập căn cứ không quân Khmeimim ở Latakia và đặc biệt là sự hiện diện lâu dài với thỏa thuận 49 năm tại căn cứ hải quân tại cảng Tartus, phía Tây của Syria.

Tartus là căn cứ hải quân duy nhất của Nga bên bờ Địa Trung Hải. Quân cảng này giúp Nga hiện diện quân sự tại một trong các tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới, nối Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương, đối trọng với một loạt căn cứ quân sự của Mỹ và NATO tại Cyprus, Italy và Hy Lạp. Cùng với căn cứ không quân Khmeimim, đây là hai căn cứ quân sự duy nhất của Nga bên ngoài lãnh thổ các nước thuộc khối Đông Âu và Liên Xô cũ.

Chuyên gia Columb Strack từ Viện nghiên cứu chính sách IHS Markit, London đánh giá, khi các nước Arab trong khu vực dần rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Washington, thì Syria trở thành đồng minh duy nhất của Moscow tại Trung Đông, giúp Nga không bị "hất cẳng" và mất hết ảnh hưởng ở khu vực.

Ông Aleksei V. Makarkin thuộc Trung tâm Công nghệ Chính trị cho biết, Nga có những vùng lợi ích riêng ở Syria và nó nằm ở bờ biển Địa Trung Hải. Các mục tiêu tấn công của Mỹ hiển nhiên nằm ngoài phạm vi này. Theo Makarkin, dĩ nhiên Nga bất bình trước hành động của Mỹ và liên minh, nhưng đây là yếu tố của “một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới”. Chỉ những yếu tố như cấm vận mới thực sự khiến Nga phiền toái.

Tuy nhiên, Moscow cũng phản ứng nhanh chóng trước cuộc không kích hạn chế của Mỹ tại Syria bằng một loạt chỉ trích cứng rắn và mạnh mẽ. Tổng thống Putin lần này cũng lập tức lên tiếng nhanh một cách bất thường để chỉ trích vụ tấn công, cáo buộc Mỹ gây tổn hại thêm cho tình hình thường dân. Trước đây, ông Putin thường đợi vài ngày rồi mới thể hiện quan điểm về các khủng hoảng quốc tế. Nên việc ông ra tuyên bố chỉ vài giờ sau đêm không kích cho thấy Điện Kremlin xem vụ việc lần này là một tình huống rất quan trọng.

Ngoài những chỉ trích từ Nga, báo New York Times bình luận rằng việc Moscow đến nay vẫn chưa có động thái phản ứng nào khác cho thấy Điện Kremlin sẽ không áp dụng chiến thuật "ăn miếng trả miếng" do nhận định cuộc không kích rạng sáng 14/4 chỉ diễn ra một lần nhằm phát đi thông điệp chính trị và sẽ không có tác động thay đổi cục diện cuộc chiến ở Syria.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Nga, Đại tướng Valery V. Gerasimov từng cảnh báo, Điện Kremlin sẽ “tiến hành những biện pháp đáp trả” nếu Mỹ tấn công. Theo ý của ông, chỉ cần sự an nguy của binh sĩ Nga bị đe doạ thì nước này sẽ không ngần ngại tấn công những tàu chiến, máy bay Mỹ phóng ra các tên lửa.

Tuy nhiên, nguy cơ về một cuộc đối đầu hạt nhân như năm 1962 đã không xảy ra. Bộ Quốc phòng Nga cũng nhanh chóng ra thông báo cho biết hai căn cứ chính của nước này ở Syria là căn cứ không quân tại Khmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus không nằm trong phạm vi bị đe doạ do cuộc không kích của Mỹ. Không tên lửa hành trình nào của phương Tây đi vào vùng phòng không của Nga.

Chuyên gia Karim Bitar từ Viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế Paris nhận định, cục diện chiến trường Syria trong vài tháng qua như thể sẽ hạ màn trong tay Nga, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga đã phải ngược xuôi qua lại với các bên có ảnh hưởng lớn nhất trên chiến trường Syria, tạo ra các "vùng giảm căng thẳng", nơi chiến sự tạm ngừng để tránh leo thang xung đột.

Ngoài ra, thông qua các hội nghị hòa bình ở Astana, Geneva, Sochi và mới đây là cuộc họp 3 bên Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara, Moscow bước đầu đã mở đường cho một giải pháp chấp nhận được ở Syria đó là: Chính phủ liên hiệp chia sẻ quyền lực và Assad tiếp tục tại vị.

Nhưng Nga không thể một tay sắp xếp cục diện bàn cờ Syria, bởi tất cả các cường quốc can dự đều có chỗ đứng vững chắc, thông qua hiện diện của các lực lượng quân sự trên chiến trường. Ngay cả các đối tác hiện tại của Nga như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những lợi ích và tính toán rất riêng biệt, về lâu dài, có thể trái ngược với lợi ích của Nga và chính quyền Assad.

Chính ví thế mà Mỹ đã không thể ngồi yên. Cuộc không kích hôm 14/4 là nỗ lực của phương Tây nhằm giành lại ảnh hưởng tại Syria, củng cố vị thế vững chắc hơn khi các bên tìm kiếm giải pháp chính trị, đồng thời gây sức ép buộc chính quyền Assad chấm dứt sử dụng vũ khí hóa học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Syria "chia năm xẻ bảy" vì toan tính của các cường quốc