Suy gan, hôn mê do bị sốt mò

Chí Tâm| 22/11/2020 16:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nữ bệnh nhân ở Hòa Bình được chuyển đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn nặng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy chức năng gan, viêm phổi, sốt cao mê sảng.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng nặng do bị sốt mò.

Được biết, cách vào viện 1 tuần, bệnh nhân sốt cao liên tục, sưng hạch góc hàm, có 1 vết loét ở vùng cổ bên trái. Trước đó, bệnh nhân có đi nhặt củi ở trong vườn nhà.

Sau khi sốt và sưng hạch góc hàm, bệnh nhân có đi khám ở y tế cơ sở, được truyền dịch và dùng kháng sinh nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

sotmo.jpg
Vết thương do mò đốt của bệnh nhân tiến triển thành bệnh nặng.

Bác sĩ Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, quá trình thăm khám, bác sĩ đã phát hiện vết thương nghi do mò đốt ở vùng cổ bên trái của bệnh nhân. Vết thương không gây đau.

Dựa vào dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết thương, bệnh nhân được chẩn đoán bị sốt mò và điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.

Sau 2 ngày, tình trạng sốt của người phụ nữ này đã được kiểm soát, các tạng bị tổn thương có dấu hiệu hồi phục.

"Nếu không được chẩn đoán kịp thời, điều trị kháng sinh đặc hiệu, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn và có nguy cơ tử vong", bác sĩ Tình nhận định.

Sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Rickettsia orientalis (Orientia tsutsugamushi) gây nên, tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đặc hiệu. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng hay gặp ở lứa tuổi lao động. Bệnh có thể gặp rải rác trong năm nhưng hay gặp chủ yếu về mùa mưa và nắng nóng. Sốt mò không lây từ người sang người.

Mầm bệnh Rickettsia orientalis có ở trên ấu trùng mò và một số loài vật gặm nhấm-thú nhỏ, được truyền sang người qua vết đốt của ấu trùng mò (Leptotrombidium). Bệnh không lây từ người sang người. Ấu trùng mò thường sống ở bụi cây, bụi cỏ ẩm ướt, các hang đá hoặc gốc cây nơi có các loài gặm nhấm sinh sống. 

Vì vậy, người bị bệnh sốt mò thường là khi đi làm nương rẫy, đi dã ngoại cắm trại dưới tán lá cây trong rừng, bộ đội hành quân, các trang trại chăn nuôi hoặc người đi qua vùng ven suối, ven sông, bìa rừng…

Bệnh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh đặc hiệu thì dễ dẫn đến suy đa tạng và tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suy gan, hôn mê do bị sốt mò