Sương trắng vùng biên giới

Nguyễn Đức Bảo| 11/12/2015 10:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như có sự trùng hợp ngẫu nhiên, những lần tôi đến vùng ngã ba biên giới Mường Nhé toàn vào tiết đông hàn. Chẳng biết có phải đó là duyên mệnh với vùng đất này hay không nhưng với tôi, đó là một sự may mắn vì ở đây, mùa đông mang lại nhiều xúc cảm.

 Tái ngộ cùng mảnh đất Sín Thầu

Lần đầu tiên tôi lên ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, mọi cảm xúc đều xuất phát từ sự tò mò thôi thúc đi khám phá một miền đất xa xôi, đầy gian khó. Lần ấy, chúng tôi phải đi bộ một ngày trời, luồn lỏi dưới những cánh rừng, lội qua 12 vòng lượn của suối Mô Phí mới tới được Tả Kho Khừ - bản trung tâm của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để được thưởng thức món ruột lợn rừng sấy khô chấm xà be (món nước chấm đặc trưng của người Hà Nhì), được ngây ngất với thứ rượu men lá rừng.

Trong một đêm lễ hội, dưới màn sương mờ ảo, ánh điện chạy bằng máy nổ bỗng trở nên nhòe nhoẹt. Nhưng điều đó không quan trọng lắm vì những vũ điệu Hà Nhì cuồng nhiệt và đầy đam mê lại cuốn theo ánh lửa bập bùng, ngả nghiêng từ đống củi cháy hừng hực giữa sân. Thời điểm ấy, Su Hừ Me 16 tuổi. Cô học sinh lớp 9 đẹp rực rỡ, căng tràn sức sống, cơ thể mềm mại như dòng Mô Phí trong điệu vũ cầu mùa. Theo truyền thống hiếu khách của người Hà Nhì, em đeo vào cổ tôi chiếc túi thổ cẩm được trang trí những hoa văn tinh xảo - đó là phần quà cho bất cứ vị khách nào tham gia trong đêm văn nghệ.

Trở lại lần này, tôi may mắn được chứng kiến thời điểm miền biên giới ở giữa mùa đông. Rét ghê gớm! Sương trắng núi rừng! Trên đường đi, sương nặng hạt như một cơn mưa nhỏ, ướt đẫm mặt đường. Ở TP. Điện Biên Phủ, buổi sáng mùa đông cũng rất dày sương, có khi tầm nhìn chỉ còn vài chục mét, nhưng đó là sương mù. Cả không gian một màu xam xám, tai tái, nó khiến cho người ta thấy khó chịu chứ không gây nên một xúc cảm thi vị nào.

Sương trắng vùng biên giới

Bộ đội biên phòng A Pa Chải hướng dẫn dân bản cách trồng rau

Và trong trùng trùng giá buốt ấy, phụ nữ bịt kín từ đầu đến cổ bằng mũ, khăn, khẩu trang, chỉ hở đôi mắt nom cứ như “ninja” vậy. Những chàng trai thì có vẻ phong trần hơn, không cần những đồ bảo hộ ấy nhưng đến cơ quan, công sở thì từ tóc cho đến lông mi, lông mày, cả ria mép nữa, sương đọng long lanh một màu bạch kim, trong khi da mặt ửng đỏ rất giống với những nhân vật trong phim võ lâm, kiếm hiệp.

Đời sống người dân ở vùng cực Tây Tổ quốc này còn nghèo lắm! Vẫn còn nhiều ngôi nhà trình tường đất lụp xụp dựng trên vạt đất thấp ven suối. Cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn, cuộc sống lam lũ, vất vả. Những đứa trẻ vẫn còn quen thuộc với những trò chơi lê la trên mặt đất lầm bụi. Ngay cả nhà lớp học ở bản cũng còn tạm bợ, thiếu thốn đủ bề. Nhiều tấm liếp thưng tường bị mục, nhiều mái lợp xập xệ vì cũ nát, nhưng tất cả đã đổi thay kể từ khi có sự trợ giúp của lực lượng bộ đội biên phòng.

Lửa ấm nơi biên giới  

Sáng sớm, đứng ở sân Đồn Biên phòng 405 Leng Su Sìn, nhìn tứ phía chỉ thấy một màu trắng mờ, không còn nhận ra hình dáng trầm mặc của dãy núi chiều hôm trước hay màu xanh tối của những tán rừng. Trên cây xoan phía đầu nhà chỉ huy, mấy con sóc đang thoăn thoắt chuyền cành để ăn quả. “Ở đây chưa bao giờ đóng băng nhưng năm 1998, 1999 đã có tuyết rơi, mấy đêm trước, nhiệt độ giảm xuống 40C, mấy hôm nay đỡ rét hơn nhưng sương rất dày”, một cán bộ biên phòng cho tôi biết.

Thấy tôi tò mò nhìn một nhóm người quân trang chỉnh tề, nai nịt gọn gàng, anh sỹ quan cười bảo: “Anh em chuẩn bị đi tuần tra, mùa đông công việc tuần tra, kiểm soát đường biên, mốc giới tương đối vất vả. Có những cột mốc phải mất 2 ngày đi bộ, trong màn sương dày đặc và cái rét thấu xương miền biên ải”. Thế mới thấy hết cái gian lao, vất vả của lính biên phòng lớn nhường nào! Từ ngày còn bé, hình ảnh anh lính biên phòng đội mũ bông, cưỡi ngựa tung vó trên đỉnh núi trong những bức tranh, lịch treo tường đã ăn sâu vào tâm trí và tôi cũng đã thầm ước ao sau này mình sẽ trở thành bộ đội.

Sương trắng vùng biên giới

Trên đường tuần tra

Và, khi được chứng kiến cuộc sống rất đỗi đơn sơ, mộc mạc của những “người lính mang quân hàm xanh” Leng Su Sìn, sự cảm phục và trân quý ấy càng dâng lên trong tôi mãnh liệt. Giữa đại ngàn, các anh chỉ có gió Lào, nắng cháy hay những đợt rét săn da buốt sương làm bạn đồng hành. Không một lời than vãn, không một chút xao nhãng, tất cả đều dốc lòng nhằm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới...

Với bộ đội biên phòng Đồn 405, dường như tất cả mọi công việc ở vùng núi cao biên giới này đều quen thuộc. Vẫn bàn tay quen cầm súng tuần tra, bảo vệ biên cương ấy lại biết sàng sẩy thóc gạo giúp bà con dân bản dẻo dai, khéo léo một cách lạ kì! Những lúc ấy, trong tiếng chuyện trò, cười đùa ríu rít của các thiếu nữ Hà Nhì, hình ảnh người lính quân hàm xanh bỗng trở nên xiết bao gần gũi, thân thương. Của cho không bằng cách cho, bộ đội biên phòng cũng không dư dả vật chất để cho bà con, nhưng các anh giúp bà con bằng tấm lòng, sự nhiệt tình cởi mở. Một sự thông cảm, sẻ chia thật đẹp và cao thượng.

Xua mây mù, nhen hy vọng

Chúng tôi rời Leng Su Sìn vào một sáng sương muối dày đặc. Qua A Pa Chải được một quãng thì chiếc u oát “dính” một bãi lầy ngập bánh. Anh tài xế đã cài cầu nhưng vô ích, chúng tôi rời xe xuống đi bộ. Từ vị trí này đến bản Tá Miếu còn khoảng hơn 2km. Tôi bỗng cảm thấy nao nao khi so sánh quãng đường 2km với 2 ngày đi bộ ròng rã của chuyến đi lần trước. Mặt trời đã vượt lên khỏi đỉnh Tà Tèn, rải ánh nắng vàng nhạt, yếu ớt xuống những dải đồi cỏ gianh mênh mông. Sương bắt đầu tan, rét tê tái.

Vào gần đến Tá Miếu thì bất chợt trời nổi gió. Không ào ạt, bạo liệt như mùa gió Lào nhưng đủ để tăng thêm vài phần cái giá buốt của mùa đông biên giới. Rét nhất là thời điểm sương tan. Mặt trời đã xô đẩy, dồn nén màn sương xuống mặt đất. Sương bay như rây bột. Phía trước mặt chúng tôi khoảng 50m, một nhóm 4, 5 em nhỏ đang gùi những bó củi, thấy người lạ vội bỏ bó củi trên đường rồi lẩn vào đám cỏ gianh vàng úa, ướt đẫm sương. Đi qua chỉ nghe thấy tiếng huyên náo vọng ra, chắc đám trẻ đang bàn luận về mấy người khách lạ với lỉnh kỉnh ba lô, máy ảnh.

Gần đến chỗ rẽ lên Đồn Biên phòng A Pa Chải, chúng tôi gặp một tốp phụ nữ Hà Nhì đang gùi tấm lợp prôximăng về làm nhà mới. Từng đợt hàn phong làm tung bay vạt áo, nhưng đã lấm tấm trên gương mặt những giọt mồ hôi lấp lánh như hạt ngọc trong nắng sớm. Một á pa (tiếng Hà Nhì nghĩa là chị) cho biết những tấm lợp này mua từ Trung Quốc và chị đi gùi từ bên kia biên giới về. Để về đến đây vào thời điểm này, tôi dám chắc những người phụ nữ kia phải rời nhà ra đi khi trời còn sậm sệt một màu trắng đục của sương giá biên thuỳ. Hai tấm lợp, mỗi tấm dài 1,8m nằm gọn trên bờ vai gầy guộc cứ chúi mãi vào mây...

Từ xưa đến giờ, người Hà Nhì nổi tiếng về sức vóc và độ dẻo dai. Tất cả thóc lúa thu hoạch ở ruộng, nương đến tre, gỗ làm nhà thậm chí cả máy xay xát cũng đều được vận chuyển bằng sức người. Tôi chợt nhớ câu nói rất chân thật của một cán bộ xã Sín Thầu lúc xe chúng tôi nghỉ ở Tả Kho Khừ: “Từ khi có đường ô tô, bản đã có mấy chiếc xe máy nhưng chỉ vài người biết điều khiển, cái chân đi bộ đã quen rồi, bây giờ ngồi lên xe, chân rời khỏi mặt đất là người mất thăng bằng. Đi xe máy khó quá!”.

Từ Đồn A Pa Chải, đi tắt khoảng 15 phút là tới bản Tá Miếu. Bước chân vô định của một kẻ độc hành đưa tôi lang thang trên những đồi cỏ gianh của vùng ngã ba biên giới trong một sáng sương mờ. Từ trên cao nhìn xuống, mới thấy quần cư Hà Nhì ở Tá Miếu thật bé nhỏ, lẻ loi. Con đường mới mở vạch một đường vòng cung qua bản chạy lên tận mốc số 3 biên giới Việt - Trung.

Ước mơ có đường ôtô đến bản của bà con nơi đây đã thành hiện thực. Nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu cho bao mong ước khác: đó là sự hỗ trợ về vốn, giống, khoa học kỹ thuật; là sự đầu tư về y tế, giáo dục để nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, đưa Tá Miếu xích lại gần hơn với các bản, làng vùng thấp về chất lượng cuộc sống. Một sự so sánh kỳ lạ bất chợt xâm chiếm tâm trí tôi. Mỗi mùa đông, miền biên ải này lại phủ trắng sương giá, nó có thể che khuất tầm nhìn và buốt lạnh thấu xương, nhưng đó là quy luật tất yếu của tự nhiên mỗi năm chỉ có một mùa. Còn một màn sương khác đã giăng phủ nơi dây suốt bao năm, màn sương gian khó, đói nghèo sẽ được xua tan, cái đầu tiên khua động màn sương ấy chính là con đường còn đỏ màu đất mới dưới thung lũng kia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sương trắng vùng biên giới