Suối “máu” ở Điện Biên: 14/15 chỉ tiêu về quy chuẩn nước mặt nằm trong giới hạn cho phép

Quốc Thịnh| 23/08/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết quả mới nhất vụ dòng suối “máu” ở Điện Biên cho thấy, 14/15 chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt.

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, chiều ngày 19/8, người dân xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) phát hiện dòng suối Nậm Khếnh, đoạn chảy qua đội 18, xã Thanh Hưng màu nước biến đổi bất thường. Toàn bộ khu vực trên nước suối có màu đỏ như máu.

Sau khi tiếp nhận tin báo chính quyền địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra xuống xác minh vụ việc.  Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Điện Biên cũng đã xuống hiện trường phối hợp điều tra nguyên nhân.

Suối “máu” ở Điện Biên:  14/15 chỉ tiêu về quy chuẩn nước mặt nằm trong giới hạn cho phép

Dòng nước chuyển màu đỏ như suối máu là do phẩm màu công nghiệp

Sau hai ngày điều tra, cơ quan chức năng làm rõ, nguyên nhân khiến nước suối đổi màu là do bột màu công nghiệp trong xây dựng và thuốc nhuộm giấy. Đồng thời cũng làm rõ, nguồn gốc xuất phát từ gia đình ông Đặng Văn Huân, trú Đội 18, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.

Theo gia đình ông Huân trình báo, trước đó gia đình ông có thuê 3 người, gồm: Quàng Văn Đoàn, Tòng Văn Đại và Lò Văn Hánh, (trú tại bản Nà Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) đến dọn dẹp nhà và kho xưởng sản xuất giấy Bắc Ninh - Điện Biên của gia đình. Trong quá trình dọn dẹp, 3 lao động trên đã đổ 2  thùng bằng sắt, bên trong mỗi thùng đựng 1 túi bóng chứa khoảng 7kg chất bột màu đỏ (1 thùng chứa chất bột công nghiệp màu đỏ dùng để mài đá garito tạo màu đỏ dùng trong xây dựng; 1 thùng đựng chất bột phẩm màu dùng để nhuộm giấy làm vàng mã). Chính điều này đã khiến nước suối bị đổi màu và lan rộng.

Phòng PC49 đã lấy mẫu nước từ khu vực ô nhiễm để phân tích kết quả cho thấy, 14/15 chỉ tiêu nằm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt. Chỉ có một chỉ tiêu qua phân tích phát hiện hàm lượng chì (Pb) vượt quá 2,6 lần so với QCVN 08: 2008/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt.

Trao đổi với báo chí, Đại tá Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành thử bằng phương pháp thả cá vàng trong mẫu nước nhiễm chất bột màu đỏ, cá vẫn sống bình thường sau 24 giờ. Tuy không ở mức độ nghiêm trọng nhưng người dân cũng không nên dùng nước này để sinh hoạt”.

Hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ, xử lý cá nhân liên quan trong vụ việc theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suối “máu” ở Điện Biên: 14/15 chỉ tiêu về quy chuẩn nước mặt nằm trong giới hạn cho phép