Sức trẻ - Sức xuân

Bảo Dân| 24/02/2016 14:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi tỉnh Quảng Nam có Giám đốc Sở ở tuổi 30, người ta nghi ngại không biết người này thực tài hay không. Có người kêu là chưa từng thấy. Lại có cựu quan chức phát biểu rằng nếu là mình, mình từ chối ngay.

Đến khi có tới mấy Giám đốc Sở cùng tuổi này, dư luận mới đỡ “lăn tăn” và chấp nhận để thời gian kiểm chứng xem họ có xứng đáng hay vẫn chỉ là cán bộ 4C (con cháu các cụ)?

Hóa ra, họ quên khuấy đi mất là trong lịch sử Đảng ta từng có các Tổng Bí thư như Trần Phú (26 tuổi), Lê Hồng Phong (33 tuổi) và Đại tướng Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp nhậm chức khi mới 34 tuổi.

Thế nhưng, phải đến Đại hội XII vừa qua, cách nhìn nhận về nguồn lực cán bộ trẻ mới thực sự thành đề tài quan tâm. Cứ nhìn kỹ chân dung ban lãnh đạo mới mà xem, có sự xuất hiện của các Ủy viên Trung ương Đảng trẻ. Này nhé, Ủy viên dự khuyết trẻ nhất có 37 tuổi, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ủy viên chính thức trẻ nhất là ông Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang) và ông Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) - cùng 40 tuổi (SN 1976) cũng là những Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất hiện nay. Và, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng mới 46 tuổi.

Trong số 200 Ủy viên Trung ương khóa XII có 19 người dưới 45 tuổi. Nhóm 39-49 tuổi chiếm 23,5%, nhóm 50-59 tuổi chiếm 70,5%, từ 63-70 tuổi không có ai.

Trên 70 tuổi chỉ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Độ tuổi trung bình của Ban chấp hành khóa XII là 53 tuổi.

Tuy nhiên, trong thể chế hiện hành, một khi các cô, các bác vẫn có quyền cất nhắc, bổ nhiệm thì hiện tượng 30 tuổi làm Giám đốc Sở và 40 tuổi vào Trung ương (“hàm” Bộ trưởng) lại là dấu hiệu tốt lành.

Sẽ không thừa khi biết rằng, ông Nguyễn Thanh Nghị là trưởng nam của người đứng đầu Chính phủ. Ông là Tiến sỹ Kỹ thuật Xây dựng tại ĐH George Washington, Mỹ, từng là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Sau đó là Thứ trưởng Bộ Xây dựng khi mới 35 tuổi và là Thứ trưởng đương nhiệm trẻ nhất trong nội các. Đại hội lần thứ XI được các đại biểu giới thiệu, ông trở thành Ủy viên dự khuyết và được điều chuyển về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, được HĐND bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang (nhiệm kỳ 2015-2020), ông trở thành Bí thư Tỉnh ủy.

Còn Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, là trưởng nam của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ khóa X. Nguyễn Văn Chi. Ông vốn là nhà báo có bằng Tiến sỹ Quản trị Kinh doanh, kinh qua công tác cơ sở, được bầu vào Trung ương dự khuyết Khóa XI, Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2015-2020). Phát ngôn ấn tượng của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh là, sẽ không đi nước ngoài bằng nguồn tiền ngân sách khi “phong trào” đi nước ngoài của các địa phương đang lên cao, đặc biệt là các vị “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Truyền thống gia đình và kinh nghiệm hoạt động chính trị của thân phụ, cộng với cố gắng của bản thân và sức trẻ sẽ giúp hai lãnh đạo này trưởng thành vượt bậc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức trẻ - Sức xuân