Văn hóa - Du lịch

Sức sống mới trên chiến khu xưa

Trang Việt 09/06/2023 13:46

Bắc Sơn là vùng đất nổi tiếng, có bề dày về văn hóa cũng như truyền thống cách mạng. Ngoài việc được xem là cái nôi của người Việt cổ với nền “Văn hóa Bắc Sơn”, mảnh đất nằm phía Tây của tỉnh Lạng Sơn này còn là căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ chống Pháp và chống Nhật.

Từ những lợi thế đó, cộng với việc được thiên nhiên ưu đãi, những năm gần đây, Bắc Sơn đã và đang nỗ lực chuyển mình trở thành nơi đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, đồng thời từng bước đưa du lịch thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

anh-bs-thung-lung(1).jpg
Hình ảnh Thung lũng Bắc Sơn trong mùa lúa chín, đứng từ đỉnh núi Nà Lay chụp xuống.

Nắm bắt từ nền móng

Với bề dày truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, Chiến khu Việt Bắc lưu giữ hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng. Nơi đây có những di tích cách mạng, các địa danh gắn liền với lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Trong đó, huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cũng là một trong 6 địa danh thuộc vùng du lịch Chiến khu Việt Bắc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang.

Ở phương diện lịch sử, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940 chống Nhật, Pháp là một trong những sự kiện cách mạng tiêu biểu của nhân dân ta. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng vào quá trình chuẩn bị và xây dựng lực lượng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sau này. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Sơn có 29 khu, điểm di tích, trong đó có 01 khu di tích cấp Quốc gia đặc biệt (gồm 12 điểm di tích), 3 điểm di tích quốc gia.

Ngoài những điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, Bắc Sơn còn được thiên nhiên ưu đãi để tạo ra nhiều sản vật mang tính đặc trưng như quýt Bắc Sơn. Với màu vàng của nắng, vị ngọt của núi, hương thơm của gió rừng, quả quýt trồng ở đất này có một hương vị đặc biệt thơm ngon mà không một nơi nào có thể sánh được...

Hơn nữa, nhân dân các dân tộc ở Bắc Sơn cũng nổi tiếng cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm và đoàn kết, chung sức đồng lòng trong xây dựng quê hương. Điều đó góp phần khẳng định vị thế, sức sống đang vươn lên của đất và người Bắc Sơn trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Với địa thế có núi non trùng điệp và phong phú, ở Bắc Sơn có rất nhiều hang động cũng như cảnh quan thiên nhiên. Điều đáng mừng là những hang động, cảnh quan đó vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ, huyền bí, tạo ấn tượng khó quên đối với du khách.

Bên cạnh cảnh đẹp về núi non, hang động thì nơi đây còn có những bản làng người Tày, Nùng với nếp nhà sàn truyền thống nép mình dưới những chân núi, sườn đồi. Vào mỗi buổi bình minh, nhìn mỗi xóm mỗi làng ẩn hiện trong sương sớm đẹp tựa một bức tranh thủy mặc.

anh-bs-lang-quynh-son(1).jpg
Bản làng cổ của người Tày tại Thung lãnh Quỳnh Sơn được chụp từ trên cao.

Phát huy tiềm năng du lịch

Nắm bắt những lợi thế đó, những năm gần đây, chính quyền và nhất là ngành du lịch Bắc Sơn đã có những chủ trương, giải pháp, hướng đi đúng đắn nhằm khai thác tốt tiềm năng để mang lại lợi ích kinh tế, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 9 điểm du lịch, trong đó có 2 điểm du dịch sinh thái, 3 điểm du lịch cộng đồng và 4 điểm du lịch di tích lịch sử. Trong 5 năm qua, huyện đã đón 357.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 82,385 tỷ.

Chia sẻ với phóng viên, bà Dương Thị Thép - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết, Đảng bộ, chính quyền huyện xác định, Bắc Sơn có nhiều tiềm năng đa dạng để xây dựng các sản phẩm du lịch khác nhau như: du lịch tham quan nghiên cứu hang động, du lịch tham quan học tập truyền thống cách mạng tại các điểm di tích lịch sử, du lịch nghiên cứu rừng đa dạng sinh học, vãn cảnh trên hồ, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm… Trong đó, du lịch khảo cổ, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa là những tài nguyên quan trọng không phải địa phương nào cũng có được.

Để tiếp tục khai thác tiềm năng vị thế của mình, trong thời gian tới huyện Bắc Sơn tập trung Phát triển nông nghiệp theo hướng sản phẩm hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao.

Khuyến khích, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ với nhiều thành phần kinh tế tham gia, nâng cấp và mở rộng hệ thống chợ, các trung tâm dịch vụ.

Tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình du lịch mang tính đặc trưng, tăng tính cạnh tranh. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh để phục vụ phát triển du lịch.

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn mở 2 lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể gồm: Lớp dạy hát dân ca và lớp múa sư tử... Giờ đây trên địa bàn huyện đã có 3 câu lạc bộ hát Then đàn tính phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của du khách.

Bên cạnh đó, huyện luôn duy trì, mở cửa thường xuyên các thiết chế văn hóa để phục vụ khách tham quan như: Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn, di tích Đình Nông Lục, nhà lưu niệm Vũ Lăng... Duy trì hoạt động làng Ngói âm dương, Chợ Trung tâm huyện Bắc Sơn để phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của nhân dân và khách du lịch, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ thêm.

Với thế mạnh của mình, Bắc Sơn giờ đang tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu để phát triển các loại hình du lịch và sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.

anh-bs-goi-banh(1).jpg
Hình ảnh người dân tộc Tày thi gói bánh tại một lễ hội truyền thống của huyện Bắc Sơn.

Bà Đỗ Thanh Loan - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện cho biết, thời gian qua, Phòng đã tham mưu cho huyện ban hành và tổ chức thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Sau 5 năm thực hiện Đề án, trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã có 9 điểm du lịch gồm 3 điểm du lịch cộng đồng; 2 điểm du lịch sinh thái; 4 điểm du lịch lịch sử, văn hoá, 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch gồm: 1 khách sạn, 10 nhà nghỉ, 18 hộ kinh doanh dịch vụ homestay.

Hiện nay, huyện Bắc Sơn đang tập trung xây dựng 2 vùng du lịch trọng điểm là xã Bắc Quỳnh - nơi lưu giữ nhiều giá trị bản sắc văn hóa của người Tày và xã Chiến Thắng - nơi có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm.

Các sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên khai thác tối ưu những giá trị về di sản văn hóa, kiến trúc và tập quán, truyền thống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng, gắn với bảo tồn để thu hút khách; khuyến khích người dân tham gia, xây dựng và hưởng lợi ích từ các hoạt động du lịch.

anh-bs-1(1).jpg
Bắc Sơn có hệ thống hang động với nhiều vẻ đẹp thiên nhiên, cổ kính rất được du khách ưa chuộng.

Với hướng đi đúng đắn, vận dụng những ưu thế của mình, Bắc Sơn giờ đây đang chuyển mình mạnh mẽ để tạo lên một “sức sống mới trên chiến khu xưa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới trên chiến khu xưa