Sức khỏe bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao?

Chí Tâm| 04/10/2022 17:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người phụ nữ 35 tuổi mắc đậu mùa khỉ đã hết sốt, các bóng nước tróc vẩy và lên da non, kết quả xét nghiệm âm tính.

Chiều 4/10, TS.BS Lê Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân hiện hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vẩy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ hiện ăn uống tốt, lên cân và tinh thần lạc quan, tuân thủ tốt quy trình cách ly và xử lý vật dụng cá nhân, tránh lây cho cộng đồng.

dau-mua-khi.png
Bóng nước điển hình rải rác các vị trí khác nhau trên cơ thể người bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: BVCC

Bệnh viện cũng đã phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, giám sát người thân và nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân trước đó. Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân khi về Việt Nam chưa xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.

Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng, qua việc cảnh giác thực hiện các biện pháp chủ động phát hiện bệnh sớm, xử lý theo các quy trình: cách ly, xét nghiệm, giám sát, điều tra dịch tễ, kiểm soát nguồn lây... một cách khoa khoa học, nghiêm ngặt và diễn tiến điều trị thuận lợi của ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM, có thể nhận định, nguồn lây là từ nước ngoài - nơi bệnh nhân đi du lịch.

Bệnh chưa lây ra cộng đồng khi bệnh nhân về Việt Nam. Bệnh nhân phục hồi sức khỏe, xét nghiệm PCR dịch tiết 1 số vị trí kiểm tra hiện đã âm tính... Thực tế trên cũng phù hợp đối với các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên thế giới.

Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, một số khác nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Dấu hiệu điển hình là sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết.

Sau đó, cơ thể xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn và cơ quan sinh dục, quanh hậu môn.

Bệnh lây khi tiếp xúc gần với người mắc, vật dụng cá nhân nhiễm mầm bệnh này hoặc có thể lây từ mẹ sang con. Người có dấu hiệu nghi mắc cần chú ý đến các dấu hiệu, chủ động liên hệ các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị phù hợp, tránh lây lan cho người xung quanh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức khỏe bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao?