Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã sửa đổi toàn diện các điều luật liên quan đến nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) để phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong tình hình mới.
Các nhóm tội xâm phạm ANQG
Theo BLHS hiện hành thì các tội xâm phạm ANQG là những hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, xâm phạm chế độ XHCN; đe dọa sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân.
Các tội xâm phạm ANQG có tính nguy hại cao, được đặt lên hàng đầu trong phần các tội phạm cụ thể của BLHS, với nhiều hình phạt nghiêm khắc nhất. Về khách thể, các tội xâm phạm ANQG là xâm hại các quan hệ xã hội về an ninh quốc gia; ANQG được hiểu là độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ XHCN. Chủ thể của các tội xâm phạm ANQG là những người từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự, bao gồm: Công dân Việt Nam; người nước ngoài; người không quốc tịch. Hành vi khách quan của loại tội phạm này là bằng việc thực hiện các hành vi bạo loạn, hoạt động phỉ, khủng bố, phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam; phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết; tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá rối an ninh, chống phá trại giam, trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài… nhằm chống chính quyền nhân dân. Chủ thể thực hiện các hành vi xâm phạm ANQG được BLHS quy định là tội phạm đều với lỗi cố ý trực tiếp với mục đích nhằm lật đổ hoặc làm suy yếu chính quyền nhân dân, đây là dấu hiệu bắt buộc đối với loại tội phạm này.
Một phiên xét xử các bị cáo về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”
So sánh tổng thể 275 tội phạm cụ thể quy định trong BLHS hiện hành thì có 20 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình; trong khi đó nhóm tội phạm về ANQG có tỷ lệ hình phạt tử hình rất cao (7/14 tội ). Điều đó cho thấy việc bảo vệ nền ANQG, bảo vệ nhà nước, bảo vệ chế độ XHCN là nhiệm vụ hết sức quan trọng và thể hiện chính sách hình sự của Đảng, nhà nước ta trong việc cương quyết nghiêm trị các phần tử chống phá cách mạng, xâm phạm ANQG. So với các loại tội phạm khác, các tội xâm phạm ANQG có số lượng ít hơn nhưng lại có tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa đến sự ổn định và vững mạnh của chính quyền nhân dân.
Cấu thành tăng nặng và cấu thành giảm nhẹ của tội phạm này được xây dựng trên cơ sở vai trò của người phạm tội: Người tổ chức, người xúi giục, hoặc người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng là những tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, còn người đồng phạm khác là tình tiết định khung giảm nhẹ hình phạt. Ngoài hình phạt chính còn có các hình phạt bổ sung như: tước một số quyền công dân, quản chế, cấm cư trú từ 1 đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Hình phạt bổ sung được quy định ở một điều luật riêng biệt và có thể được áp dụng cho tất cả các tội xâm phạm ANQG.
Sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định về tội xâm phạm an ninh quốc gia
Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung toàn bộ các điều quy định về tội xâm phạm an ninh quốc gia. Dự thảo BLHS (sửa đổi) dành toàn bộ Chương XIII (gồm 15 Điều) để quy định các tội xâm phạm ANQG. Các tội phạm cụ thể được quy định trong các điều Luật đều theo trình tự từ cấu thành cơ bản đến cấu thành tăng nặng.
Điều 78 về “Tội phản bội Tổ quốc” của BLHS hiện hành chỉ có 2 khoản quy định về tội này. Theo đó, công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ XHCN và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Tại Dự thảo BLHS (sửa đổi), “Tội phản bội Tổ quốc” (sửa đổi) đã được bổ sung thêm khoản 3 và khoản 4. Theo đó, khoản 3 quy định “Người đã câu kết với người ngoài nhằm gây nguy hại cho Nhà nước Việt Nam nhưng không tiếp tục thực hiện hành vi và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này”; khoản 4 quy định “Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. Như vậy, “Tội phản bội Tổ quốc” quy định trong Dự thảo BLHS (sửa đổi) cụ thể hơn và mang tính nhân văn hơn khi người phạm tội này không tiếp tục thực hiện hành vi và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì được miễn trách nhiệm hình sự. Dự thảo cũng quy định cả người chuẩn bị phạm tội đối với tội danh này thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với các điều khác được quy định trong chương này từ Điều 109 đến Điều 122 Dự thảo BLHS (sửa đổi) gồm các tội: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại chính sách đoàn kết… đều được sửa đổi cơ bản theo hướng quy định rõ hơn về các hành vi, hậu quả gây ra để có các mức áp dụng hình phạt tương ứng từ miễn trách nhiệm hình sự đến tử hình.