Trong hai ngày 28 và 29-5, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992”. Đại diện lãnh đạo các Bộ: GTVT, Xây dựng, TN&MT cùng một số địa phương khu vực phía Bắc tham dự...
Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác của dự án “tăng cường tiếp cận công lý bảo vệ quyền tại Việt Nam” giữa Chính phủ Việt Nam với Liên hợp quốc. Các đại biểu, chuyên gia dự hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận 3 chủ đề gồm: Chế định Chính phủ, chính quyền địa phương và quyền con người, quyền công dân.Trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị bổ sung một số nội dung của Hiến pháp năm 1992; đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, một nội dung rất quan trọng là phải hoàn thiện nguyên tắc thực hiện quyền lực Nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (trong đó có nội dung về chế định Chính phủ).
Một buổi hội thảo về sửa đổi Hiến pháp 1992 được tổ chức vào tháng 2-2012
Tiến sỹ Phạm Hồng Quang, Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính, Bộ Tư pháp - đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu nội dung về chế định Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải tiếp cận với lý luận về Nhà nước pháp quyền trên thế giới, đồng thời vẫn giữ được những đặc trưng của Á Đông và phù hợp với thực tiễn cách mạng và công cuộc đổi mới của Việt Nam. Tán thành với yêu cầu sửa đổi Hiến pháp hiện nay, nguyên tắc tập trung quyền lực Nhà nước vẫn được duy trì để đảm bảo nguyên tắc quyền lực tối cao thuộc về nhân dân.
Quốc hội, Chính phủ và Tòa án vẫn là các cơ quan lập pháp, hành pháp và xét xử cao nhất, đảm bảo sự độc lập nhưng vẫn có sự phân công, phối hợp dựa trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Tuy vậy, trong lần sửa đổi này, Hiến pháp nên quy định vị trí của Chính phủ theo hướng: Chính phủ là cơ quan thực thi quyền hành pháp và đứng đầu hệ thống cơ quan hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Tiến sỹ Tô Văn Hòa, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu: Điều 109 của Hiến pháp năm 1992, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Song vị trí chính xác của Chính phủ trong cơ chế thực hiện quyền lực Nhà nước ở nước ta chỉ nên là “cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Tương ứng với vị trí trên, Chính phủ thực hiện chức năng hành pháp và chức năng hành pháp cần được phân biệt với chức năng hành chính nhà nước, do hệ thống cơ quan hành chính nhà nước thực hiện.
Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, phải làm rõ vị trí, chức năng của Chính phủ với tư cách là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất thực hiện quyền hành pháp.
Tại Hội thảo, các chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước còn chia sẻ, cập nhật thông tin và trao đổi, thảo luận chuyên sâu về các nội dung liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật của Việt Nam.
Mạnh Khánh