Sự liêm chính, khách quan của Thẩm phán đảm bảo niềm tin của nhân dân vào hệ thống Tòa án

Mai Thoa| 03/10/2018 22:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TANDTC vừa ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán với rất nhiều nội dung quan trọng được người dân đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC xung quanh vấn đề này.

Hiến pháp khẳng định vị trí trung tâm của Tòa án

PV: Thưa ông, là một chuyên gia pháp luật cũng là một lãnh đạo lâu năm của ngành Tòa án, ông có đánh giá như thế nào về vai trò của Tòa án hiện nay?

PGS.TS Trần Văn Độ: Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Như vậy, Hiến pháp đã quy định rõ, bằng việc thực hiện chức năng xét xử, Tòa án nhân dân có vị trí là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Quyền tư pháp, chức năng xét xử của TAND thể hiện ở chỗ: TAND là cơ quan duy nhất có quyền ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý xảy ra trong xã hội; xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực nhà nước đều thuộc thẩm quyền của Tòa án;..

Để thực hiện quyền tư pháp, Hiến pháp cũng quy định nhiệm vụ của Tòa án và nhấn mạnh việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân là những nhiệm vụ đầu tiên của TAND; sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đó là nhiệm vụ đặc trưng thể hiện cao nhất, tập trung nhất đối với cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án phải là nơi mà mọi con người, mọi công dân tìm đến lẽ phải, tìm đến sự thật, đến sự công bằng. Khi quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm, người dân tìm đến Tòa án như là tìm đến Công lý.

Vì vậy, có thể nói, Tòa án là biểu tượng của công lý và có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Niềm tin của nhân dân vào Tòa án chính là niềm tin vào công lý.

Sự liêm chính, khách quan của Thẩm phán đảm bảo niềm tin của nhân dân vào hệ thống Tòa ánư

PV: Đặt trong bối cảnh đó thì đặc điểm nghề nghiệp của Thẩm phán được đánh giá là rất quan trọng trong thực hiện sứ mệnh bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý của Tòa án, có đúng không thưa ông?

PGS.TS Trần Văn Độ: Thẩm phán là nhân vật trung tâm trong hệ thống Tòa án, đảm nhận nhiệm vụ xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ hiến định. Khác với công chức khác trong bộ máy nhà nước, nghề Thẩm phán có những đặc điểm riêng biệt.

Đó là, Thẩm phán luôn luôn tiếp xúc trực tiếp với con người; kết quả công việc của Thẩm phán ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị cũng như tự nhiên của mỗi con người, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng. Nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được hiến định cũng chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Thẩm phán.

Thẩm phán là người áp dụng pháp luật. Trên cơ sở xác định sự kiện pháp lý, sự thật khách quan của vụ án, Thẩm phán áp dụng quy định của pháp luật để phán quyết về vi phạm pháp luật, tranh chấp pháp lý và phán quyết đó làm phát sinh hậu quả đối với con người, đối với xã hội. Mọi hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán đều được thực hiện đúng với trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; chịu sự tác động trực tiếp của pháp luật. Sự thật, pháp luật, công bằng, công lý luôn là những yếu tố song hành cùng Thẩm phán trong công việc cũng như cuộc sống thường nhật.

Đặc biệt, Thẩm phán là người được giao thực hiện quyền lực nhà nước, phán quyết liên quan đến sinh mệnh chính trị, tự nhiên của con người, đến lợi ích xã hội, cộng đồng… cho nên hoạt động của Thẩm phán luôn chịu sự kiểm soát của pháp luật; sự giám sát của cơ quan lập pháp, hành pháp; sự giám sát của dư luận xã hội và của nhân dân theo quy định của pháp luật. Ngoài sự giám sát từ bên ngoài, Thẩm phán còn phải chịu sự giám sát trong nội bộ Tòa án.

Vậy nên, cùng với pháp luật, các quy chế hành nghề, quy phạm đạo đức của Thẩm phán là những công cụ cho việc giám sát, kiểm soát bên trong hệ thống Tòa án; đó cũng là những tiêu chí mà Thẩm phán căn cứ vào để sống và làm việc; các cơ quan có thẩm quyền và công chúng thực hiện việc kiểm soát, giám sát.

Sự liêm chính, vô tư, khách quan là cốt lõi trong ứng xử của cán bộ

PV: Với Bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán mới được TANDTC ban hành, ông có cho rằng đó là điều quan trọng và cần thiết hay không?

PGS.TS Trần Văn Độ: Những năm qua, mặc dù chúng ta chưa có Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán, nhưng về cơ bản, đội ngũ Thẩm phán của Việt Nam đã thực hiện các hoạt động nghề nghiệp và ứng xử phù hợp, góp phần xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp trong xã hội thuộc thẩm quyền, bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, do chưa có một văn bản chính thức mang tính ràng buộc về các quy chuẩn đạo đức, các quy tắc ứng xử nghề nghiệp, dẫn đến tình trạng là: Chưa có nhận thức thống nhất về các chuẩn mực về sự liêm chính, sự vô tư, khách quan mà Thẩm phán cần có; chưa có nhận thức đầy đủ về quy tắc ứng xử của Thẩm phán trong công tác cũng như cuộc sống thường nhật để thể hiện và bảo đảm sự liêm chính, vô tư, khách quan của Thẩm phán;

 Thực tiễn cũng cho thấy, còn có những cán bộ Tòa án nói chung, Thẩm phán nói riêng hành xử không phù hợp với đạo đức cần có, thậm chí, có những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phạm tội. Trong hoạt động xét xử, một số Thẩm phán vẫn còn thiếu bản lĩnh, bị tác động từ bên ngoài, thiếu vô tư, khách quan… dẫn đến ra những phán quyết oan, sai cho bị cáo, cho đương sự. Thực tế đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử, uy tín của Tòa án các cấp, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng đối với công lý, đối với hệ thống tư pháp nước ta.

Ở Việt Nam, trước đây, vấn đề quy tắc đạo đức của Thẩm phán được quy định trong các văn bản khác nhau. Thẩm phán được coi như là một công chức nhà nước và được điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức.

Lần đầu tiên, ngày 18/9/2008, Chánh án TANDTC ban hành Quyết định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Tòa án. Trong đó có quy định về ứng xử chung trong việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vụ án. Trong quyết định này, sự liêm chính, vô tư, khách quan đã được quy định như là một trong những nội dung cốt lõi trong ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án nói chung, của Thẩm phán nói riêng.

Để thay thế quyết định trên, ngày 4/7/2018, Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Quyết định về Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán để áp dụng trong hệ thống TAND và TAQS các cấp. Cùng với quy định của pháp luật, Bộ Quy tắc là cơ sở để Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thực hiện việc giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử của Thẩm phán; của người được bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác và là một trong những căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với Thẩm phán. Cùng với các chuẩn mực đạo đức khác, Bộ Quy tắc quy định về sự liêm chính, sự vô tư, khách quan như là các chuẩn mực đạo đức hàng đầu mà Thẩm phán các Tòa án Việt Nam cần tuân thủ.

PV: Vậy làm thế nào để quy định về sự liêm chính, vô tư, khách quan của Thẩm phán ở Việt Nam sẽ đảm bảo được thực thi, thưa ông?

PGS.TS Trần Văn Độ: Thẩm phán không phải là cán bộ, công chức bình thường mà là người có hoạt động nghề nghiệp đặc thù để bảo vệ công lý. Vì vậy, Thẩm phán phải chịu nhiều những hạn chế nghề nghiệp cũng như cuộc sống; địa vị chính trị, xã hội, pháp lý của Thẩm phán khác hơn; có tiêu chuẩn bổ nhiệm, trách nhiệm nghề nghiệp cao hơn, trong đó có yêu cầu cao về sự liêm chính, vô tư, khách quan trong chuẩn mực đạo đức của họ.

Bộ Quy tắc được ban hành là sự đóng góp quan trọng và cần thiết vào các quy chuẩn đội ngũ Thẩm phán nước ta.Việc thực hiện các chuẩn mực này phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực, sự tự giác và cố gắng của mỗi cá nhân Thẩm phán. Tuy nhiên, việc thực hiện đó cũng phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện bảo đảm khác.

Để các Thẩm phán quán triệt và thực hiện tốt các quy định của Bộ Quy tắc về sự liêm chính, vô tư, khách quan, theo chúng tôi, cần thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về sự liêm chính, vô tư, khách quan của Thẩm phán trong hoạt động nghề nghiệp; nhận thức của hệ thống chính trị, của toàn xã hội vào vị trí của Thẩm phán và vai trò của Thẩm phán trong xã hội.

Thẩm phán không phải là cán bộ, công chức bình thường mà là người có hoạt động nghề nghiệp đặc thù để bảo vệ công lý. Vì vậy, Thẩm phán phải chịu nhiều những hạn chế nghề nghiệp cũng như cuộc sống; địa vị chính trị, xã hội, pháp lý của Thẩm phán khác hơn; có tiêu chuẩn bổ nhiệm, trách nhiệm nghề nghiệp cao hơn. Đồng thời, Thẩm phán phải được Nhà nước chăm lo, bảo vệ tốt hơn về vật chất, về tinh thần, có chế độ bảo vệ đặc thù khi quyền, lợi ích liên quan bị xâm phạm, quyền miễn trừ trong một số trường hợp…

Thứ hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan về nội dung mà Thẩm phán áp dụng, pháp luật về thủ tục tư pháp mà Thẩm phán thực hiện trong hoạt động nghề nghiệp của mình;

Cuối cùng là, cần có những chính sách đặc thù đối với Thẩm phán trong bổ nhiệm, đề bạt, nhiệm kỳ; trong chế độ trách nhiệm, kỷ luật; trong chế độ đãi ngộ… để họ an tâm thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nghiêm các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử theo quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự liêm chính, khách quan của Thẩm phán đảm bảo niềm tin của nhân dân vào hệ thống Tòa án