Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng 2023 kỳ vọng sẽ được thúc đẩy nhờ một số yếu tố quan trọng từ phía nhu cầu.
Với bức tranh kinh tế kém tươi sáng ở 6 tháng đầu năm, thách thức cho nền kinh là rất lớn để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.
Theo đó, các nhân tố kìm hãm tăng trưởng là khả năng suy thoái kinh tế thế giới; chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát tại các nước phát triển; căng thẳng địa chính trị tại một số quốc gia và sự lan toả mang tính toàn cầu. Sản xuất công nghiệp theo đó sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, công nghiệp chế biến chế tạo có nguy cơ vẫn sẽ mất vai trò tăng trưởng dẫn đầu.
Dựa trên diễn biến của nền kinh tế trong nửa đầu năm nay, nhóm nghiên cứu của Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng trong năm 2023. Ở kịch bản kém lạc quan, GDP có thể chỉ tăng 5,8 - 6,3%; còn kịch bản lạc quan, GDP có thể đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra, thậm chí có thể cao hơn là 6,5 - 6,8% trong năm nay.
Dù còn nhiều khó khăn thách thức, song tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đúng theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 6,5%; lạm phát mục tiêu là 4,5% như dự báo của nhiều cơ quan chức năng.
Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng 2023 kỳ vọng sẽ được thúc đẩy nhờ một số yếu tố quan trọng từ phía cầu. Trong đó, có sự phục hồi của tiêu dùng cho nhiều hoạt động bị kìm nén trong những năm đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu chững lại bất chấp những dự báo kém lạc quan về tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, những nỗ lực giải ngân đầu tư công có thể giúp hoạt động xây dựng và các hoạt động kinh tế có liên quan thêm tích cực trong nửa tháng cuối năm. Chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng mạnh tay hơn để kích cầu nền kinh tế sau những tháng đầu năm kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc được kỳ vọng khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tạo ra nhu cầu nhập khẩu và du lịch đáng kể từ quốc gia tỷ dân này…