Sau nhiều năm trong phòng biệt giam chờ thi hành án tử, cuối cùng hai tử tù ở tỉnh Khánh Hòa cũng đã bị đưa đi thi hành án vào ngày cuối tháng 9/2014 trong sự hối hận muộn màng và đau xót của những người thân.
Bị cáo Dũng (bên trái) Tân (bên phải) tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21/4/2011
Hai đối tượng đó là: Nguyễn Đức Dũng (SN 1991, trú tổ 4, thôn 1, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) bị tử hình về tội giết người và cướp tài sản và Huỳnh Bá Nhẫn (Mười Ri, SN 1986, trú tại thôn Thạch Định, phường Ninh Trung, TX Ninh Hòa) cũng bị xử về hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em.
Thiếu tiền chung độ, giết cô giáo chủ nhiệm cướp tài sản
Đó là vụ giết người cướp tài sản vô cùng nghiêm trọng xảy ra tại xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, được TAND tỉnh Khánh Hòa đưa ra xét xử lưu động đối với hai bị cáo tuổi 9X, cùng trú tổ 4, thôn 1, Diên Phú, Diên Khánh. Tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Dũng tử hình về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt buộc phải chấp hành là tử hình; Trần Văn Tân (SN 1992) tù chung thân về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt buộc phải chấp hành là tù chung thân. Sau đó, tòa phúc thẩm TAND tối cao đã tuyên y án như trên.
Toàn bộ vụ án thể hiện trên hồ sơ đã được Báo điện tử Công lý đưa tin trước đó
Nhẫn tâm giết người yêu
Vụ án này cũng được TAND tỉnh Khánh Hòa đưa ra xét xử lưu động tại Ninh Hòa.
Theo cáo trạng, Nhẫn có quan hệ quen biết với Ngô Thị Mỹ Hằng (1994), tối 10/1/2010, sau khi uống rượu cùng với Văn Tiến Dũng, Lại Hùng Thấm, Nhẫn rủ Dũng và Thắng đến quán tạp hóa của gia đình Hằng ở Thạch Định, Ninh Trung, Ninh Hòa gặp Hằng để nói chuyện.
Lúc này Hằng đang ở quán một mình, Nhẫn nói Hằng mở cửa quán ra nói chuyện, ban đầu Hằng thấy Nhẫn đã uống rượu nên không chịu mở cửa, Nhẫn tức giận đập đầu vào cửa bắt Hằng mở cửa. Dũng thấy Nhẫn nổi nóng nên đến kéo Nhẫn đi thì bị Nhẫn đạp một cái vào ngực và đuổi Dũng, Thấm đi chỗ khác để Nhẫn nói chuyện với Hằng.
Khi Hằng mở cửa, Nhẫn và Hằng vào trong quán và lên giường ngồi nói chuyện với nhau. Dũng và Thấm đi chơi một lúc thì quay lại quán của Hằng để gọi Nhẫn về, Nhẫn nghe tiếng Dũng gọi về nhưng Nhẫn không về mà ra đóng cửa, tắt đèn trong quán rồi đi đến giường ngồi với Hằng, Nhẫn ôm hôn, sờ mó vào người Hằng nhưng Hằng không chịu.
Lúc này, Hằng có hỏi Nhẫn sao không về cùng với Dũng và Thấm, thì Nhẫn cho rằng Hằng có ý đuổi mình, nên bực tức hỏi Hằng “Lúc nãy gọi không mở cửa mà bây giờ còn đuổi về phải không?”, Hằng trả lời “thì đi về với thằng Ky (Dũng) cho vui”, Nhẫn nghe Hằng nói vậy thì nói tiếp “Lúc nãy gọi không mở cửa là muốn bóp cổ cho chết luôn rồi, mà bây giờ còn đuổi về là bóp cổ cho chết luôn đó”, Hằng nói “muốn bóp thì bóp đi”, Nhẫn nghĩ Hằng thách đố mình nên dùng tay bóp cổ Hằng và đè Hằng nằm xuống giường, Hằng không có phản ứng gì.
Nhẫn bóp cổ Hằng một lúc thì bỏ tay ra và thấy Hằng nằm im không cử động nữa, nên nảy sinh ý định giao cấu với Hằng. Nhẫn cởi quần của mình và của Hằng ra rồi thực hiện hành vi giao cấu.
Sau khi thực hiện xong hành vi đồi bại, Nhẫn lấy một quần thun dài Hằng thường mặc đi học thể dục mặc vào cho Hằng. Lúc này Nhẫn thấy Hằng còn cử động nên tiếp tục dùng tay bóp cổ Hằng cho đến chết.
Sau khi biết Hằng chết, Nhẫn dùng dao Thái Lan, thuốc sâu, dây cua roa, sắt nhọn để đâm, uống và treo cổ tự tử nhưng không chết. Đến sáng hôm sau anh Lê Hoài Dũng (anh cùng mẹ khác cha với Nhẫn) phát hiện ra Nhẫn, đã đưa Nhẫn đến cơ quan Công an đầu thú.
Theo nhận định của HĐXX, hành vi phạm tội của bị cáo Nhẫn là đặc biệt nghiêm trọng, cùng một lúc đã phạm hai tội rất nghiêm trọng, đã xâm phạm đến tính mạng nhân phẩm của người khác, sau khi hiếp dâm xong thấy nạn nhân còn cử động, bị cáo tiếp tục bóp cổ cho đến chết, thể hiện hành vi cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, mất hết nhân tính, nên cần loại trừ bị cáo ra khỏi xã hội mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung.
Hối hận thì đã muộn
Khi được đưa đến nơi thi hành án và thấy Hội đồng thi hành án tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố quyết định thi hành án tử hình đối với mình, hai bị cáo vẫn tỏ ra bình tĩnh, nhưng tâm lý lại rất căng thẳng vì đã biết trước số phận.
Cán bộ thi hành án đến hỏi các bị cáo có muốn ăn uống và nhắn nhủ gì cho gia đình trước giờ thi hành án không, hai bị cáo này nói chẳng thiết gì đến chuyện ăn, mà chỉ xin cán bộ cho uống ly cà phê và hút mấy điếu thuốc để lấy lại tinh thần.
Sau một hồi trầm ngâm rít vài hơi thuốc, bị cáo xin cán bộ cho giấy và bút. Dũng viết: “Cha mẹ, anh chị hãy tha lỗi cho đứa con, đứa em bất hiếu của gia đình, từ ngày con sinh ra cho đến nay con chưa giúp ích được gì cho gia đình, mà còn làm cho gia đình phải đau lòng vì con, con biết tội lỗi của con không thể nào tha thứ được, mong cha mẹ và anh chị đừng buồn, anh chị hãy cố gắng lo phụng dưỡng cho cha mẹ để em ra đi được thanh thản. Sau nhiều năm ở trong trại giam con rất hối hận về việc làm của con, chỉ vì một chút nông nỗi mà con đã gây ra bao mất mát đau thương cho gia đình cô Nga, cha mẹ hãy giúp con đến thắp cho gia đình cô Nga nén nhang, và cho con gửi lời xin lỗi đến gia đình cô Nga…”.
Ngoài ra, Dũng còn viết một bức thư, nhờ cán bộ gửi vào trại giam cho một cô gái, mà y quen trong thời gian bị tạm giam, mong cô gái hãy cố gắng cải tạo tốt, để sớm trở về xã hội làm một người lương thiện, có ích cho xã hội và hãy quên y đi vì y không còn có cơ hội để trở về hòa nhập với cộng đồng.
Tương tự, Nhẫn cũng viết thư xin gia đình người bị hại tha thứ cho mình và khuyên cha mẹ hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe và đừng buồn vì đứa con bất hiếu này, Nhẫn cũng tỏ ra rất ân hận về hành vi của mình.
Sau khi bản án tử hình được thi hành bằng tiêm thuốc độc xong, và qua khám nghiệm tử thi các cán bộ thi hành án đã cho gia đình các bị cáo đến nhận xác con, em mình về chôn cất.
Đây là 2 trong 4 vụ án có mức án cao nhất (tử hình) ở Khánh Hòa đã được thi hành. Đó cũng là bài học kinh nghiệm cho tầng lớp thanh niên đừng vì chạy theo những ham muốn, những cám dỗ đời thường mà đánh mất chính mình, để lại những hậu quả to lớn, khi đó, sự tiếc nuối sẽ là quá muộn màng, không thể cứu vãn được.
Đồng thời, các bậc cha mẹ, gia đình, nhà trường và đoàn thể xã hội, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc quản lý con cái, phải sát sao hơn nữa trong việcgiáo dục con em về đạo đức, lối sống và những kiến thức pháp luật để họ trở thành những người tốt, những công dân có ích cho xã hội.