Vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) có thành phần hoàn toàn tương tự như vắc xin 5 trong 1 đã sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng trước đây là ComBE Five và Quinvaxem.
Ngày 25/5, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Bộ đã quyết định sử dụng thêm vắc xin DPT-VGB-Hib do Viện huyết thanh Ấn độ (SII) sản xuất trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Như vậy, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có 2 loại vắc xin được sử dụng song song là: Vắc xin ComBe Five và DPT-VGB-Hib.
Việc sử dụng đồng thời 2 vắc xin 5 trong 1 có thành phần tương tự trong tiêm chủng mở rộng để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vắc xin, tránh việc thiếu vắc xin, đặc biệt là đối với những vắc xin nhập khẩu, cần nhiều thời gian để tiến hành các thủ tục mua vắc xin và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm định chất lượng vắc xin.
Ảnh minh họa
Bộ Y tế đã phê duyệt “Kế hoạch sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib do SII sản xuất” tại 6 tỉnh là Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Kon Tum, trong thời từ tháng 5 - 7/2019.
Vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) sẽ được sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên (tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3). Trẻ đã tiêm mũi 1, mũi 2 vắc xin ComBE Five hoặc vắc xin có thành phần tương tự sẽ được tiêm chủng các liều tiếp theo với vắc xin DPT-VGB-Hib (SII). Trong thời gian này tại các tỉnh, thành phố khác vẫn tiếp tục sử dụng vắc xin ComBE Five như hiện tại.
Việc sử dụng đồng thời 2 loại vắc xin 5 trong 1 này sẽ được thực hiện tương tự ở các địa phương khác trong thời gian tới, dự kiến vào cuối năm 2019.
Dự án Tiêm chủng mở rộng giám sát chặt chẽ quy trình tiêm, tổng hợp kết quả triển khai và báo cáo Bộ Y tế vào cuối tháng 6/2019.
Bộ Y tế lưu ý, vắc xin DPT-VGB-Hib do Viện huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất có thành phần, lịch tiêm chủng và sử dụng tương tự như vắc xin ComBE Five và vắc xin Quinvaxem đã sử dụng trong tiêm chủng mở rộng. Đây là vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào, do vậy phản ứng sau tiêm vắc xin sẽ tương tự như đối với vắc xin ComBe Five hay Quinvaxem.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng các địa phương cần tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng an toàn, thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn bà mẹ theo dõi phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng, khi phát hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Các bậc cha mẹ cần phối hợp với cán bộ y tế trong quá trình đưa con đi tiêm chủng và theo dõi chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ em, các bậc phụ huynh hãy cho con em mình đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.