Tòa án

Sự độc lập và quyền miễn trừ của Thẩm phán

Mai Thoa 16/03/2023 - 10:07

Thẩm phán độc lập là nguyên tắc được nhắc tới và quy định trong Hiến pháp và pháp luật hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

761627_1801633815-1.jpg

Các nghiên cứu cũng đều chỉ ra rằng nguyên tắc Thẩm phán độc lập là một yếu tố không thể thiếu trong hoạt động của Tòa án, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền như hiện nay.

Ở Việt Nam, nguyên tắc Thẩm phán độc lập đã được quy định ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên và được kế thừa trong suốt lịch sử lập hiến. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 quy định: “Trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”.

Văn bản đầu tiên quy định về tổ chức và thẩm quyền của  Tòa án dân chủ nhân dân Việt Nam, Sắc lệnh số 13 ban hành tháng 01/1946 cũng đã rất chú trọng vào khía cạnh làm thế nào để bảo đảm cho các Thẩm phán được độc lập.

Hiến pháp 1959 quy định: “Khi xét xử, TAND có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 tiếp tục ghi nhận: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Độc lập của Thẩm phán được hiểu là người Thẩm phán không bị lệ thuộc vào bất kỳ sự tác động nào từ bên ngoài cho dù là tác động từ các cơ quan, tổ chức nhà nước.

Để Thẩm phán xét xử chỉ dựa trên nhận thức của mình về vụ việc và pháp luật thì hệ thống pháp luật cần phải quy định những biện pháp có thể bảo đảm cho Thẩm phán của mình có đủ khả năng “miễn trừ” đối với mọi tác động từ bên ngoài làm ảnh hưởng tới việc xét xử độc lập của Thẩm phán.

Do vậy, quyền miễn trừ của Thẩm phán cần được xây dựng trong hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc cải cách tư pháp cho phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

TANDTC đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, trong đó có nội dung về xây dựng cơ chế bảo vệ Thẩm phán, trong đó dự kiến bổ sung quy định về quyền miễn trừ của Thẩm phán TAND.

Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định Thẩm phán được hưởng quyền miễn trừ trong một số trường hợp cụ thể. Đây được coi là nội dung mới, thể hiện sự cải cách tư pháp mang tính đột phá lớn đối với hệ thống Tòa án, thể hiện vai trò của chức danh Thẩm phán được đánh giá cao và nâng tầm trong hoạt động tư pháp.

Thực tế, thời gian qua, hệ thống Tòa án có rất nhiều quy định siết chặt kỷ luật Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, công tác chuyên môn của Thẩm phán cũng vô cùng áp lực khi tình hình tội phạm ngày một gia tăng, phức tạp; số vụ việc phải giải quyết tăng rất nhiều nhiều so với lượng cán bộ, Thẩm phán làm việc.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc quy định về quyền miễn trừ của Thẩm phán nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế xây dựng chiến lược tổng thể cho sự phát triển của hệ thống TAND, chế độ, chính sách cho các chức danh tư pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc cải cách tư pháp cho phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế là cần thiết.

GS.TS. Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, quyền miễn trừ sẽ giúp Thẩm phán tăng tính độc lập trong xét xử và nhiều quốc gia đã áp dụng quy định này.

Tuy nhiên, cần phân biệt việc miễn trừ đối với chức danh tư pháp Thẩm phán, tức là nhân danh nhà nước khi tuyên bản án, chứ không phải với tư cách cá nhân Thẩm phán.

Ví dụ, Thẩm phán ra bản án sai nhưng quá trình xem xét, nghiên cứu hồ sơ đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, không có yếu tố tư lợi hay tiêu cực, thì Thẩm phán sẽ không phải chịu trách nhiệm về bản án đó.

Nếu bản án gây thiệt hại, nhà nước sẽ có trách nhiệm khắc phục và bồi thường. Ngược lại, nếu bản án sai do Thẩm phán tham nhũng, cố ý làm trái hoặc có động cơ tiêu cực thì đương nhiên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Còn GS.TS. Đỗ Văn Đại, Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh thì cho rằng, miễn trừ là quyền rất lớn nên Dự thảo của TANDTC đã có sự thận trọng nhất định khi đề xuất việc miễn trừ chỉ được áp dụng khi có đủ 2 yếu tố gồm "đúng trình tự, thủ tục theo quy định" và "sai sót không phải do lỗi cố ý".

Cũng cần hiểu rằng miễn trừ trách nhiệm cho Thẩm phán không có nghĩa là không thực hiện trách nhiệm đối với bản án hoặc quyết định bị sai mà trách nhiệm ấy thuộc về nhà nước.

Ví dụ, Thẩm phán tuyên án oan đối với một người nhưng do đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định và sai do lỗi vô ý thì được miễn trừ. Khi đó, nhà nước sẽ đứng ra bồi thường cho người bị oan. Còn trường hợp sai do cố ý hoặc sai trình tự, thủ tục theo quy định thì đương nhiên thẩm phán phải chịu trách nhiệm bồi hoàn và có thể bị xem xét xử lý.

Cũng theo GS.TS Đỗ Văn Đại, đề xuất nào cũng có tính hai mặt, nhưng chúng ta cần cân bằng và lựa chọn giải pháp mang lại sự tích cực nhiều hơn. Miễn trừ với Thẩm phán có thể khiến Thẩm phán chủ quan, giảm sự thận trọng nhưng mặt được, mà có lẽ nhiều hơn mặt trái, là tăng tính độc lập xét xử của Tòa án nói chung và Thẩm phán nói riêng.

Để Thẩm phán độc lập và ra phán quyết mà phải đối diện áp lực bị kiện cáo, bị xử lý nếu có hành vi vi phạm khi ra bản án, thì quyền miễn trừ đối với họ là giải pháp tối ưu.

Còn GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng cho rằng, xét về mặt tuyệt đối, chưa thể khẳng định quyền miễn trừ có hay không dẫn tới tâm lý chủ quan của Thẩm phán nhưng cần nhìn nhận đề xuất theo hướng tích cực rằng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là bất cập.

Luật pháp quốc tế cũng đã quy định về quyền miễn trừ của Thẩm phán

Theo đó, Nguyên tắc thứ 16 của Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Tòa án năm 1985, quy định: “Phù hợp với luật pháp quốc gia, Thẩm phán được hưởng quyền miễn trừ trong các vụ kiện dân sự vì những thiệt hại về tiền bạc gây ra bởi những hành động không đúng hoặc những sai sót trong khi thực hiện chức năng xét xử, và việc được hưởng quyền miễn trừ này không ảnh hưởng gì đến bất kỳ thủ tục kỷ luật nào hoặc quyền kháng cáo nào cũng như đến việc bồi thường từ phía nhà nước”.

Tuyên bố Bắc Kinh về các nguyên tắc độc lập tư pháp cũng nêu rõ: “Thẩm phán được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm cá nhân đối với các vụ kiện dân sự đòi bồi thường những thiệt hại về vật chất gây ra do hành vi sai trái hoặc những sai sót của mình khi thực hiện chức năng xét xử.

Quy định này không ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục thi hành kỷ luật đối với Thẩm phán, hoặc quyền khiếu nại cũng như yêu cầu bồi thường từ phía nhà nước theo quy định của pháp luật nước đó”.

Điều 10 Hiến chương phổ quát về Thẩm phán cũng quy định về trách nhiệm dân sự và hình sự của Thẩm phán như sau: “Tại các quốc gia khi điều này được chấp nhận, hành vi dân sự, hình sự, bắt giữ Thẩm phán chỉ được cho phép trong trường hợp bảo đảm không làm ảnh hưởng đến sự độc lập của họ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự độc lập và quyền miễn trừ của Thẩm phán