Ngày 26/6, TANDTC tổ chức cuộc họp ra mắt Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và bàn triển khai Kế hoạch PBGDPL năm 2019. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Cùng tham dự cuộc họp có các Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy viên Hội đồng phối hợp PBGDPL TAND.
Công tác PBGDPL là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống
Trước đó, thực hiện Quyết định số 515/QĐ-HĐPH ngày 04/3/2019 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ban hành Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2019, ngày 22/3/2019, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 49/2019/QĐ-TANDTC thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL TAND.
Tại cuộc họp, ông Ngô Văn Nhạc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã trình bày tóm tắt nội dung Dự thảo báo cáo công tác PBGDPL (trong đó bao gồm báo cáo kết quả 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW) và dự thảo văn bản của TANDTC quán triệt thi hành Kế hoạch PBGDPL và triển khai hoạt động hưởng ứng “Ngày pháp luật” năm 2019.
Theo báo cáo, thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, trong thời gian qua, lãnh đạo TANDTC đã xác định công tác tuyên truyền PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ cần chỉ đạo thường xuyên, là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống, đồng thời đây cũng là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Kết quả sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ, Đảng bộ TANDTC đã triển khai các kế hoạch về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật như: Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Kế hoạch thực hiện quy định của Luật PBGDPL; Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015”... Đồng thời, thông qua các buổi họp cơ quan định kỳ hàng tháng, “Ngày sinh hoạt pháp luật” của cơ quan, các buổi sinh hoạt của Chi bộ, Cấp ủy Chi bộ, lãnh đạo Tòa án các cấp đã tổ chức quán triệt, phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức trong Tòa án các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được ban hành.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TAND chụp ảnh lưu niệm
Bên cạnh đó, hàng năm, TANDTC đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua kế hoạch nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng năm, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác xét xử, chú trọng việc hòa giải, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo để công dân nhận thức rõ các quy định pháp luật, giảm bớt được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; Thực hiện đúng các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, Đảng ủy TANDTC thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động PBGDPL, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình PBGDPL, xem đây là biện pháp hàng đầu trong việc đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật.
Hình thức PBGDPL tại Tòa án đa dạng và phong phú
Để triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch PBGDPL tại địa phương, đơn vị, TANDTC đã ban hành Kế hoạch PBGDPL nhằm thực hiện có hiệu quả các văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng về PBGDPL, Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ và nhân dân; đưa chủ trương, đường lối của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật ngay sau khi được ban hành đã được TANDTC chú trọng phổ biến, triển khai thi hành đến toàn thể các cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án như: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2017 và Luật tố tụng Hành chính năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng, Luật Cạnh tranh, Luật Tố cáo, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước...; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế liên quan đến quyền con người, quyền công dân và các thỏa thuận quốc tế trong nhiều lĩnh vực.
Các hình thức PBGDPL cũng rất đa dạng và phong phú như PBGDPL thông qua công tác hòa giải, đối thoại; PBGDPL thông qua các phiên tòa lưu động
Trong những năm qua, công tác phối hợp với các đơn vị trong việc PBGDPL luôn được TAND các cấp quan tâm để tăng hiệu quả cho việc PBGDPL. Một số TAND đã kết hợp với các Trung tâm Trợ giúp pháp lý của địa phương để tư vấn cho người dân thuộc các đối tượng chính sách, cũng như trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng đặc biệt khó khăn trên tất cả các lĩnh vực.
Quang cảnh cuộc họp
Đổi mới, sáng tạo trong tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật
Nhằm mục đích tăng cường nhận thức của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống TAND về ý nghĩa của Ngày Pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật, trong những năm qua, TANDTC đã ban hành Công văn hướng dẫn TAND các cấp triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật với những nội dung cụ thể. Hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật được đổi mới thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ và nhân dân. Một số Tòa án đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật
Đoàn Thanh niên của một số Tòa án đã tổ chức phiên tòa giả định, đa dạng về nội dung các chuyên đề như: Ma túy trong thanh thiếu niên, an toàn giao thông, trốn tránh nghĩa vụ quân sự và bạo lực học đường.
Một số TAND tổ chức thành công các buổi tọa đàm “Tư tưởng Hồ Chí Minh với tuổi trẻ Toà án”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh với tác phong công vụ” bằng hình thức đối đáp và mô hình “Kể chuyện về Bác” hàng tháng ở tất cả các Chi bộ, Đảng bộ.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã thảo luận trao đổi ý kiến đối với các vấn đề còn tồn tại hạn, chế để hoàn thiện Báo cáo.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh: Công tác PBGDPL nói chung và trong hệ thống TANDTC nói riêng rất quan trọng, góp phần thực thi bảo vệ pháp luật và bảo vệ công lý.
Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền yêu cầu Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo dựa trên những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng, để xây dựng những giải pháp thiết thực, khả thi nhằm nâng cao chất lượng công tác PBGDPL.
Hội đồng phối hợp PBGDPL TAND gồm 14 thành viên do Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền làm Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm các đồng chí: Chu Thành Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; Nguyễn Văn Điệp, Phó Giám đốc Học viện Tòa án; các Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào, Chu Xuân Minh và 9 ủy viên. |