Sốt xuất huyết tăng bất thường, người Hà Nội vẫn thờ ơ

Thảo Nguyên| 07/07/2017 07:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, một tỷ lệ không nhỏ người dân vẫn có ý thức không tốt, nhiều người không hợp tác với việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết tăng báo động

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sốt xuất huyết (SXH) là bệnh lưu hành tại Hà Nội với số mắc trung bình hàng năm vào khoảng 5.000 - 6.000 ca, có năm trên 15.000 ca. Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên toàn thành phố đã Hà Nội đã phát hiện khoảng 3.000 trường hợp mắc SXH. Trong đó, có 1 trường hợp tử vong, còn lại trên 92% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn hơn 200 bệnh nhân đang điều trị.

Theo chu kỳ hàng năm, dịch SXH bắt đầu gia tăng từ tháng 8 - 9 đạt đỉnh vào tháng 10 - 11, nhưng năm nay số mắc bắt đầu tăng nhanh ngay từ tháng 5 và tháng 6.

Sốt xuất huyết tăng bất thường, người Hà Nội vẫn thờ ơ

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Ảnh: Thảo Nguyên

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng sau đó lại mưa ẩm ngay là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Kết quả giám sát cho thấy chỉ số côn trùng tăng cao bắt đầu từ tháng 3 tại nhiều điểm giám sát trong TP. Dự báo, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng.

Cùng với sự dịch chuyển về chu kỳ bệnh SXH, tuổi mắc bệnh cũng có xu hướng gia tăng. Trước năm 2007, tỉ lệ SXH ở người lớn chỉ khoảng 20%, số ca mắc đến nay đã chiếm 43%. Nếu chỉ tính riêng những tỉnh có tốc độ phát triển và công nghiệp hóa cao như trên, tỉ lệ SXH ở người lớn tăng nhanh hơn, từ 35% lên 54% theo thời gian tương ứng.

Người dân bất hợp tác

Mặc dù bệnh có xu hướng gia tăng, diễn biến dịch phức tạp nhưng TS Cảm lo ngại cho biết, việc phòng chống dịch bệnh SXH tại các xã phường vẫn còn gặp một số khó khăn.

Theo đó, một số hộ gia đình, người dân không hợp tác trong công tác phòng chống dịch như: Không mở cửa cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra vệ sinh môi trường diệt bọ gậy hoặc phun hoá chất diệt muỗi. Nhiều trường hợp không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi bị bệnh. Đặc biệt, họ không chủ động và thực hiện thường xuyên việc diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình.

"Bên cạnh đó, kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế. Hầu hết những hộ bất hợp tác thường nghĩ nhà sạch là sẽ không có muỗi; thậm chí họ nghĩ việc phòng bệnh chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành và coi nhẹ việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình", ông Cảm nói thêm.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, hiện nay, nhìn chung các cấp chính quyền đã quan tâm đến công tác phòng chống dịch, đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể tham gia công tác phòng, chống dịch, phối hợp với ngành y tế các hoạt động tuyên truyền, diệt bọ gậy, phun hóa chất…Nhưng công tác phòng chống SXH cần sự tham gia tích cực của tất cả người dân, mầm bệnh nằm ngay trong nhà và xung quanh nhà, vì vậy riêng nỗ lực của cán bộ y tế và chính quyền sẽ rất khó khăn và không bền vững.

Trước diễn biến bất thường của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông.

Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát; xử phạt các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sốt xuất huyết tăng bất thường, người Hà Nội vẫn thờ ơ