“Sốt đất” bất thường, xao động một vùng quê

Kim Truyền | 06/04/2022 10:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xã Tống Trân (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) vốn là một vùng quê yên bình. Người dân nơi đây, bao đời gắn liền với ruộng đồng ngô, lúa. Vậy mà từ đầu năm tới giờ, giá đất ở đây được thổi lên có chỗ cả gần chục lần. Điều bất thường ấy đã biến nhiều nông dân bỗng trở thành tỉ phú, nhưng đằng sau đó là sự bình yên của một làng quê đang bị xáo trộn.

Nằm ở phía Nam của huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, bên dòng sông Luộc giáp tỉnh Thái Bình, Tống Trân là một xã thuần nông và là quê hương của “Lưỡng quốc trạng nguyên” Tống Trân. Tục truyền, vào thời tiền Lý ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) có nhà họ Tống tên là Thiện Công dòng dõi thi thư, nghèo túng nhưng rất khoan hòa nhân đức, sinh được một cậu con trai khôi ngô, đặt tên là Tống Trân.

1(1).jpg
Nhiều người tìm về mua đất ở xã Tống Trân

Tống Trân lên 5 tuổi đi học, học một biết mười, thiên văn địa lý đều tinh thông. Năm 7 tuổi, Tống Trân vào kinh ứng thi, cả ba kì thi đều được hạng ưu, đỗ thủ khoa. Ba năm sau đỗ Trạng nguyên, vua khen là “Quốc sĩ tướng tài trong nước chỉ có một mình Tống Trân không ai sánh được”. Sau khi vinh quy, Tống Trân kết duyên với Cúc Hoa, người xã Phù Anh cùng huyện. Cưới được 3 tháng, vua sai Tống Trân đi sứ Trung Quốc. Vua Trung Quốc muốn thử tài, sai bắt giam Tống Trân vào chùa Linh Long, trong chùa chỉ có tượng phật và nước lã. “Có nước uống, ắt phải có cái ăn, nghĩ vậy, Tống Trân bèn bẻ thử tay tượng thì quả nhiên tượng được đắp bằng chè lam. Bốn tháng sau, vua Tàu cho mở cửa chùa thì thấy Tống Trân vẫn sống đàng hoàng, nhưng tượng Phật không còn. Vua phục tài, phong Tống Trân là "Phụ quốc, thượng tể đẩu Nam Tống đại vương”. Qua nhiều lần thử tài văn chương, võ nghệ, vua Tàu càng khâm phục phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên”.

Tìm về xã Tống Trân những ngày này, chúng ta cảm nhận được sự yên bình bên những cánh đồng lộng gió, cảm nhận được sự thơ mộng bên lở bên bồi của dòng sông Luộc, cảm nhận được nhiều xáo động của những người nông dân vốn chỉ quen với ruộng đồng. “Các chú tìm về mua đất à?” câu hỏi đầu tiên mà hầu hết ai ở nơi xa đến Tống Trân vào những ngày này sẽ bắt gặp.

2(1).jpg
Giá đất ở đây được thổi lên có chỗ cả gần chục lần

Vào vai một người đi mua đất, chúng tôi được chị C. và anh D. (tự giới thiệu có hơn 30 mảnh đất ở xã Tống Trân) dẫn đi xem những mảnh đất của mình. Theo anh D. thì nơi đây về sau sẽ hình thành những dự án du lịch ven sông, du lịch tâm linh đã được quy hoạch và chuẩn bị triển khai làm vào cuối năm nay hoặc năm sau. Bên cạnh đó, chị C. còn cho xem những hình ảnh liên quan đến quy hoạch tổng thể mà chị bảo là “ Mật” được cấp trên cung cấp. Khi xin chị C. những bức ảnh đó thì chị nhất quyết không cho và anh D. còn bảo sợ bị tù nếu để lộ những bức ảnh đó ra.

Tìm hiểu thêm về giá đất được thổi lên một cách bất thường, chúng tôi gặp ông T. (là người dân sinh sống tại thôn An Cầu), ông không ngại chia sẻ và còn tỏ ra rất hân hoan về giá đất đang lên quá cao. “Tôi có gần 1000 m2 đang muốn bán, nhưng đợi thêm ba tháng nữa để nghe ngóng xem như thế nào. Nếu như là đầu năm thì đất ở nhà tôi chỉ khoảng vài trăm nghìn/m2, giờ lên đến cả 5 triệu/m2.” Vậy điều gì đã khiến giá đất ở xã Tống Trân chỉ trong vòng mấy tháng trời đã được thổi lên đến cả gần chục lần. Điều tưởng như bất thường ấy đã biến nhiều nông dân bỗng trở thành tỉ phú, nhưng đằng sau đó là sự bình yên của một làng quê đang bị xáo động.

3.jpg
Bên dòng sông Luộc yên bình là một làng quê đang bị xáo động

Những miếng đất đẹp ở xã Tống Trân hiện nay được rao bán cả hơn chục triệu đồng/m2, thế mà cách đây vài tháng nhiều người dân cho biết chỉ khoảng hơn triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, nhiều người nông dân đang vì giá đất tăng lên quá cao mà muốn bán hết vườn tược đất đai, ruộng đồng. Sự tăng giá đất bất thường chỉ trong vòng vỏn vẹn vài tháng có liên quan gì tới những người như anh D., chị C. Bởi theo như lời chị C., anh D. nói: Thì ai là cấp trên đứng phía sau cung cấp những thông tin “Mật” để họ thu mua đất giá rẻ mà giờ đây giá đất được đẩy lên cả gần chục lần? Và những người nông dân sinh sống tại xã Tống Trân nên suy xét thiệt hơn khi đem cả vườn tược, đất đai, ruộng đồng muốn bán để rồi cầm trong tay cả “đống tiền”, nhưng sau đó là sẽ làm gì, ở đâu, ra sao? Mong rằng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, thì những người nông dân “chân lấm tay bùn” sẽ an tâm lao động sản xuất, không bị cuốn theo dòng chảy mang tên “Sốt đất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sốt đất” bất thường, xao động một vùng quê