Tình trạng sốt đất, thổi giá đang làm nóng bỏng ở đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, Vạn Ninh, Khánh Hòa trở nên nghiệm trọng. Người dân tố lãnh đạo xã Vạn Thạnh gom đất, dẫn “cò” đi thao túng, “thổi” giá gây náo loạn thị trường.
Lãnh đạo xã Vạn Thạnh bị người dân tố cáo tiếp tay cho doanh nghiệp lấn chiếm đất ao tôm của dân, để doanh nghiệp lập hàng rào thép gai ven biển, chặn lối đi lại của của du khách, người dân, nhằm độc chiếm bờ biển.
Theo ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, cho rằng hiện tượng sốt đất phức tạp tại Bắc Vân Phong là có thật. Trong đó, có việc dọn đảo, phá rừng, lấn chiếm đất biển, đảo ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.
Lãnh đạo xã gom đất, “thổi” giá?
Hiện nay, mỗi ngày có rất nhiều người đến hỏi thăm, mua bán, chuyển nhượng, đẩy giá sốt ảo rất cao. Các vụ tranh chấp, lấn chiếm đất đai cũng tăng đột biến. Riêng với tình hình ở xã Vạn Thạnh, ông Phi đề nghị xử lý hình sự theo quy định pháp luật đối với những người có hành vi xâm hại đất công.
Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, khẳng định việc phá rừng, chiếm đất, mua bán trái phép ở xã Vạn Thạnh và một số địa phương khác là hành vi trái pháp luật, phải xử lý nghiêm. Những trường hợp có dấu hiệu chuyển nhượng đất trái pháp luật sẽ bị trừng trị nghiêm minh.
Đất trong đảo Điệp Sơn bị đẩy giá ảo tăng rất cao
Chúng tôi nhiều lần trở lại Vạn Thạnh, người dân địa phương tiếp tục phản ánh tình hình gom đất với sự tham gia, tiếp tay của cán bộ xã. Trong đó, họ chỉ đích danh một cán bộ chủ chốt của xã đã mua gom 7-8 lô đất với hàng chục ngàn m2 và chỉ rõ cụ thể từng lô đất mà ông này đã mua. Chúng tôi cũng đã nhiều lần liên lạc với Bí thư kiêm Chủ tịch xã Vạn Thạnh để trao đổi về vấn đề trên, nhưng không được đón tiếp.
Gần đây, huyện đã tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại lãnh đạo xã Vạn Thạnh có liên quan đến đất đai. Trong đó có đơn thư tố cáo ông N. mua gom, đầu cơ đất trái với chỉ thị của UBND tỉnh, gây phức tạp tình hình. Huyện ủy Vạn Ninh đã ban hành kế hoạch kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm và đang yêu cầu ông N. giải trình. Sau khi có kết quả kiểm tra, Huyện ủy sẽ xem xét xử lý theo quy định.
Một số người dân ở đảo Điệp Sơn cũng thuộc xã Vạn Thạnh cũng từng mang đơn tố cáo lãnh đạo xã này tiếp tay cho ký hợp đồng cho Công ty CP Sơn Nam thuê đảo làm du lịch tại Điệp Sơn và độc chiếm bãi biển của dân làng trong đảo. Theo nhiều người dân, Công ty này từng được lãnh đạo xã bật đèn xanh tiếp tay cho việc san lấp, lấn chiếm đầm (ao) tôm của người dân đang canh tác lâu năm ở đâu. Gần đây, Công ty Sơn Nam còn chăng dây thép gai ngay trên bãi biển, nơi có con đường dân sinh công cộng nối từ lang ra các đảo. Công ty này cô lập người dân ra biển, tạo “lãnh địa” riêng, cấm cản du khách từ đảo khác qua.
Điều này là không thể chấp nhận được ở khu du lịch đảo Điệp Sơn. Bởi nơi đây nổi tiếng nhất vẫn là con đường trên biển nối Hòn Bịp với đảo Điệp Sơn mà người dân đang sinh sống. Vậy mà Công ty này ngang nhiên lập hàng rào bằng dây thép gai không cho dân ra biển, ngăn cách du khách lên đảo, vào thăm làng.
Lập hàng rào, độc chiếm đường ra biển
Ngay trên dải cát hẹp của đảo Hòn Bịp, Công ty Sơn Nam còn xây dựng những công trình kiên cố, trong khi đảo chỉ thuê tạm với thời hạn là 5 năm. Họ còn cạnh tranh không lành mạnh bằng việc xây dựng khu nhà vệ sinh trên bãi cát, chặn trước cửa một cơ sở khai du lịch khác bằng hàng rào thép gai.
Đây là cách làm thiếu văn hóa, buộc cơ sở du lịch kia phải rao bán đất mới được yên thân. Nhân viên Công ty Sơn Nam còn thường xuyên lôi kéo, chèn ép khách phải đi ca-nô để vào khu du lịch của họ. Nếu khách đi ca nô của các đơn vị khác ra đảo thì bị phía họ cho tàu lớn chạy với tốc độ cao, tạt đầu, “đánh võng”, hù dọa, gây mất an toàn.
Công ty Sơn Nam chăng dây thép gai ngay trên bãi biển, thiết lập "lãnh địa" riêng
"Việc rào chắn mặt biển làm mất lối đi của người dân là điều oái oăm nhất của khu dịch đẹp như mơ này. Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, không có các cơ quan chức năng sớm yêu cầu tháo dỡ để trả lại không gian cho đảo”, một người dân tại thôn Điệp Sơn bức xúc. "Các công trình xây dựng trên đảo Điệp Sơn được UBND xã Vạn Thạnh khuyến cáo là chỉ được xây dựng tạm. Các công trình mà Công ty CP Sơn Nam đang xây dựng trên đảo Hòn Bịp rất kiên cố là vi phạm pháp luật", một người dân khẳng định. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo luật thì UBND xã Vạn Thạnh không được ký hợp đồng cho thuê đất đảo Điệp Sơn ngoại trừ đất dự phòng, vậy mà lãnh đạo xã vẫn ngang nhiên ký hợp đồng với doanh nghiệp cho khai thác kinh doanh.
Ông Nguyễn Bé, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc thuê đất phải được Sở Tài nguyên và Môi trường có đề xuất về giá trị thuê, Sở Tài chính căn cứ vào đó để thẩm định. Hiện nay, sở chưa thẩm định vấn đề gì liên quan đến Điệp Sơn.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho hay: Đảo Điệp Sơn là khu du lịch mới phát triển, nổi tiếng với con đường trên đảo. Hiện, chỉ có hai doanh nghiệp du lịch là Công ty CP Sơn Nam, Công ty TNHH Nha Trang Đông Đô hoạt động, thế nhưng, thời gian qua vẫn có những “va chạm” và xảy ra tình trạng cát cứ, cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Theo bà Thanh, việc Công ty CP Sơn Nam có rào chắn bãi biển không cho du khách, người dân đi lại tự do trên các đảo (Hòn Ó, Hòn Quạ, Hòn Bịp), Sở Du lịch tỉnh đã kiểm tra, nhắc nhở, nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết dứt điểm. "Các đơn vị cũng đã cam kết không tổ chức rào chắn, cấm cản người dân, du khách qua lại. Nếu tái phạm sẽ chấm dứt hợp đồng thuê đất và rút giấy phép hoạt động du lịch. Về thông tin Công ty CP Sơn Nam tái dựng hàng rào, độc chiếm bãi biển Hòn Bịp, thuộc khu vực công cộng, chúng tôi ghi nhận và sẽ phối hợp kiểm tra xử lý”, bà Thanh khẳng định.